Dù có thể chụp ảnh đồ ăn bằng bất cứ thiết bị nào, nhưng đôi khi những điều kiện ánh sáng đầy thử thách như ở trong nhà hàng sẽ khiến bạn chật vật trong việc làm sống dậy những chi tiết, màu sắc hấp dẫn của món ăn và có được một bức ảnh đủ tốt. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng hình ảnh chính là ống kính. Không chỉ có khả năng thu sáng tốt, một ống kính phù hợp sẽ cho phép bạn thử nghiệm với những bố cục gần gũi, hút mắt và chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, TokyoCamera xin được gợi ý 3 ống kính để chụp đồ ăn đẹp nhất của nhà Canon để các bạn có thể sẵn sàng tạo ra những bức ảnh ấn tượng cho riêng mình.
3 ống kính để chụp đồ ăn – Hãy chọn ống kính fix
Nếu điều kiện cho phép, ống kính prime (còn gọi là fix) với 1 tiêu cự cố định sẽ là lựa chọn cho chất lượng hình ảnh tốt nhất với kích thước và trọng lượng tối ưu hơn nhiều các loại ống kính zoom cồng kềnh.
Khẩu độ lớn hơn
Trong khi các ống kính zoom phổ biến chỉ có khẩu độ tối đa đến f/2.8, ống kính fix có thể dễ dàng được chế tạo với độ mở đến f/1.8, f/1.4, nhanh hơn đến 2 stop, thu vào lượng sáng dồi dào hơn đến gần 2 lần. Điều này mang đến lợi thế về mức độ ISO thấp hơn hoặc tốc độ màn trập cao hơn, kết quả là hình ảnh sạch sẽ và sắc nét hơn đáng kể.
Hiệu ứng bokeh
Khẩu độ tối đa lớn cũng sẽ mang đến hiệu ứng xoá phông rõ rệt hơn, với vùng bokeh mượt mà, các điểm sáng nhoè (bokeh balls) tròn trịa và loại bỏ sự phân tâm của các đối tượng hậu cảnh, giúp hình ảnh tập trung vào chủ thể hơn.
Độ sắc nét
Ống kính fix không chỉ có khả năng xoá phông, thực chất là …làm mất nét tốt mà độ nét của chúng cũng thường trội hơn so với các ống kính zoom. Có được điều đó là nhờ cách sắp xếp thành phần thấu kính tối ưu cho một tiêu cự duy nhất. Không thể zoom cũng đồng nghĩa với việc các thành phần này sẽ không phải di chuyển nhiều trong quá trình chụp ảnh, cho đường truyền ánh sáng ổn định giúp tái tạo độ nét, tương phản, màu sắc và kiểm soát quang sai đồng nhất hơn.
Các ống kính Canon tiêu cự cố định thường sở hữu một “bí thuật” giúp những món ăn hiện lên gần gũi “ngon mắt” đến khó tin – chụp macro. Kích cỡ của các món ăn trong hình ảnh sẽ bằng khoảng 1:2 cho đến 1:1 so với kích thước thật, giúp bạn lấp đầy khung hình và đẩy mọi chi tiết và kết cấu bề mặt món ăn đến gần người xem hơn bao giờ hết.
Dễ dàng cầm nắm và sử dụng
Ống kính một tiêu cự thường có ít thành phần thấu kính bên trong hơn ống kính zoom (do không cần thay đổi giữa các tiêu cự khác nhau), nhờ đó có được trọng lượng và kích thước vô cùng dễ chịu. Bạn sẽ thoải mái hơn trong việc di chuyển, tìm góc độ ưa nhìn nhất cho những món ăn hấp dẫn.
3 ống kính để chụp đồ ăn – Lựa chọn của biên tập viên
Top 3 – Ống kính 35mm để chụp đồ ăn theo phong cách tabletop và flatlay
Các ống kính 35mm (hoặc 23-24mm trên máy ảnh cảm biến APS-C) cho góc nhìn đủ rộng để bạn sắp xếp các chủ thể và đạo cụ giúp bức ảnh có ý đồ và câu chuyện hơn. Tận dụng góc nhìn này, bạn có thể chụp những tấm ảnh toàn cảnh với góc nhìn từ trên xuống 45 độ hoặc 90 độ (flatlay) mà không phải lùi lại hay đứng lên quá cao.
Một ống kính với khả năng chụp cận macro 0.5x sẽ giúp bạn có được sự linh hoạt tối đa, dù lại gần chi tiết hay lùi lại để thấy cách bày trí trên bàn. Thậm chí, bạn cũng có thể sử dụng ống kính với góc nhìn này để chụp ảnh đường phố và du lịch cũng như mọi thứ bạn thấy. Sự linh hoạt của nó là vô hạn.
Tuy nhiên, cần chú ý đến độ biến dạng của các đối tượng nằm ở rìa khung hình. Bên cạnh đó, phối cảnh của không gian cũng sẽ dễ dàng bị nghiêng ngả khi bạn chụp những góc chéo, nghiêng, hất lên hoặc xuống. Nếu bạn cần đảm bảo hình ảnh được tái tạo chính xác nhất có thể, hãy tránh đặt những chủ thể hoặc đối tượng quan trọng ở quá xa trung tâm ảnh, giữ góc chụp song song hoặc vuông góc với mặt đất, hoặc sử dụng một độ dài tiêu cự tập trung hơn (như 50mm).
Gợi ý cho ống kính 35mm chụp đồ ăn
Ống kính cho máy ảnh full-frame: RF 35mm f/1.8 Macro IS STM
Ống kính cho máy ảnh APS-C: RF 24mm f/1.8 Macro IS STM
Top 2 – Ống kính 50mm để chụp đồ ăn với tỷ lệ tự nhiên nhất
Một trong 3 ống kính để chụp đồ ăn bạn nên sở hữu chắc chắn là ống kính 50mm – góc nhìn tương tự với mắt người. Gần như không có biến dạng, tiêu cự này cho phép các nhiếp ảnh gia thử sức với mọi góc chụp và bố cục mà hình dạng của các món ăn, bát đĩa, dụng cụ vẫn được đảm bảo đẹp mắt.
Tuy nhiên, góc nhìn này khá hẹp để có những bức ảnh toàn cảnh trên cao và flatlay trải dài thênh thang. Bạn sẽ cần nâng cao hoặc lùi xa máy ảnh đến 40cm để có góc nhìn tương tự như các ống kính 35mm.
Tiêu cự dài cũng dẫn đến độ sâu trường ảnh mỏng và bokeh rõ ràng hơn. Hiệu ứng này thực sự đẹp mắt và thu hút mọi ánh nhìn về món ăn chính trong khung hình khi được lấy nét chính xác, nhưng sẽ gây khó khăn nếu bạn có ý định làm chủ thể của mình rõ nét từ trước đến sau. Thông thường, bạn sẽ có thể giảm khẩu độ kết hợp với tốc độ màn trập chậm hơn, nhưng nếu điều này là không đủ, hãy thử kỹ thuật focus bracketing.
Bạn có thể giữ yên thân máy (bằng tay hoặc chân máy), chụp nhiều ảnh với vị trí lấy nét từ gần đến xa, sau đó kết hợp lại để có chủ thể hoàn toàn rõ nét. Với kỹ thuật này, bạn thậm chí có thể sử dụng khẩu độ lớn nhất để tạo hiệu ứng xóa phông trong khi vẫn đảm bảo độ nét cần thiết cho món ăn của mình.
Gợi ý cho ống kính 50mm chụp đồ ăn
Ống kính cho máy ảnh full-frame: RF 50mm f/1.8 STM
Ống kính cho máy ảnh APS-C: RF 35mm f/1.8 Macro IS STM
Top 1 – Ống kính 85mm để chụp đồ ăn với góc nhìn chuẩn thương mại
Ống kính 85mm được coi là ống kính tele ngắn. Những ống kính như vậy được các nhiếp ảnh gia đồ ăn thương mại ưa chuộng vì góc nhìn tự nhiên tuyệt đẹp, có hiệu ứng nén nhẹ và độ sâu trường ảnh nông. Những yếu tố này kết hợp với nhau để tạo ra một bức ảnh đắm chìm thu hút bạn vào khung hình và giữ mắt bạn vào chủ thể chính: đó cũng là lý do tại sao 85mm cũng là tiêu cự kinh điển để chụp ảnh chân dung.
Khung hình chặt chẽ cho phép bạn có những bức ảnh cận cảnh, thậm chí là tối giản đến các chi tiết của món ăn như bề mặt sần sùi của quả dâu hay nhẵn nhụi của bánh kem. Để có thể bao quát các đạo cụ khác vào khung hình, bạn sẽ cần lùi lại vài bước. Đối với người dùng máy ảnh APS-C, hiện lựa chọn cho góc nhìn gần nhất là các ống kính 50mm, với hệ số crop 1.6x bạn sẽ có được trường nhìn tương đương gần 80mm khi quy đổi trên định dạng cảm biến full-frame.
Gợi ý cho ống kính 85mm chụp đồ ăn
Ống kính cho máy ảnh full-frame: RF 85mm f/2 Macro IS STM
Ống kính cho máy ảnh APS-C: RF 50mm f/1.8 STM
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp 3 ống kính để chụp đồ ăn siêu đẹp cho những tín đồ của thương hiệu Canon. Để có những bức ảnh hút hồn hơn, bạn có thể tham khảo cách chụp ảnh tĩnh vật ấn tượng nhất. TokyoCamera chúc các bạn có được những tác phẩm ưng ý!