Đã 5 năm kể từ ngày Lumix G9 ra mắt và mới đây, Panasonic đã cho ra mắt thế hệ 2 của chiếc máy ảnh này. Hãy cùng Tokyo Camera review Panasonic Lumix G9 II nhé.
Ưu – Nhược điểm của Panasonic Lumix G9 II
Ưu Điểm | Nhược Điểm |
Lấy nét tự động tốt | Kính ngắm giống trên G9 |
Chống rung bù đến 8stop | Không sử dụng cảm biến full-frame |
Cải thiện hiệu suất xử lý | – |
Mức giá khá mềm | – |
Thông số kỹ thuật của Panasonic Lumix G9 II
- Ngày ra mắt: 13.09.2023
- Cảm biến: 25,2MP Live MOS Micro Four Thirds
- Ngàm ống kính: Micro Four Thirds
- Chống rung: 5 trục
- ISO: Ảnh: 100 đến 25.600 | Video: 100 đến 12.800
- Chụp liên tiếp: Màn trập cơ: 14fps | Màn trập điện tử: 75fps
- Độ phân giải video tối đa: 4K/60fps
- Lưu trữ: Khe cắm kép: SD/SDHC/SDXC (UHS-II)
- Kết nối không dây: Wifi; Bluetooth
- Màn hình: LCD cảm ứng 3 inch | 1,84 triệu điểm
- Kính ngắm: OLED 3,68 triệu điểm | phóng đại 0,8x | bao phủ 100%
- Loại lấy nét: Tự động và thủ công
- Điểm lấy nét tự động: 779 điểm
- Pin: Lithium-Ion DMW-BLK22
- Dung lượng pin: 2200 mAh
- Thời lượng pin: 370 bức ảnh
- Trọng lượng: 575g (Chỉ thân máy) | 658g (pin, thẻ nhớ)
Review Panasonic Lumix G9 II – Ngôn ngữ thiết kế
Kích thước và trọng lượng
Về mặt thiết kế, Panasonic trang bị cho G9 II phần thân máy gần như tương đồng như trên S5 II. Tuy nhiên, sẽ có một số khác biệt như G9 II sẽ không có quạt làm mát và phần ngàm Micro Four Thirds nhỏ qua đó tạo không gian cho nút chức năng thứ hai ở mặt trước.
Panasonic Lumix G9 II có trọng lượng chỉ khoảng 658g đã bao gồm pin và thẻ nhớ cùng kích thước chỉ khoảng 134,3 x 102,3 x 90,1mm. Trọng lượng nhẹ nhàng này giúp việc đem theo chiếc máy ảnh này trong các chuyến đi dễ dàng hơn.
Tuy nhỏ gọn là vậy nhưng phần thân máy G9 II vẫn được hoàn thiện bằng hợp kim magie giúp máy vô cùng chắc chắn có thể chống bụi và tia nước. Với những người dùng thường xuyên quay chụp ở các điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì đây sẽ là tin mừng.
Màn hình và kính ngắm
Phần màn hình LCD đơn sắc hiển thị thông số ở mặt trên của G9 đã được lược bỏ và nhường chỗ cho các nút xoay chế độ chụp và nút xoay riêng biệt ở hai bên kính ngắm trên G9 II. Điều này cũng tạo nên một thiết kế vuông vức hơn trên Panasonic Lumix G9 II.
Phần màn hình sau thì Panasonic G9 II sử dụng màn hình LCD cảm ứng 3 inch, bên cạnh phần màn hình này sẽ có một núm điều khiển 8 hướng để người dùng điều khiển dễ dàng hơn. Màn hình LCD này có thể lật sang một bên, xoay về phía trước và gập vào trong máy ảnh để tránh tình trạng trầy xước khi không sử dụng.
Tuy nhiên, màn hình của Lumix G9 II có độ phân giải cao hơn với 1,84 triệu điểm so với 1,04 triệu điểm ảnh trên Lumix G9.
Kính ngắm trên Panasonic Lumix G9 II gần như tương tự trên S5 II với độ phân giải 3,68 triệu điểm, phóng đại 0,8x và bao phủ 100% khung hình. Phần kính ngắm này theo mình thì vẫn sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng mặc dùng nó không mới. Tuy nhiên, có một điều khá lạ ở độ phóng đại trên chiếc G9 II thấp hơn một chút so với G9 (0,83x).
Pin, lưu trữ và kết nối
Panasonic Lumix G9 II sử dụng pin DMW-BLK22 giống như trên S5 II, đem đến khả năng chụp lên tới 400 bức ảnh sau mỗi lần sạc đầy. Bạn có thể sạc pin cho máy ảnh thông qua cổng USB-C.
Lumix G9 II được Panasonic trang bị khe thẻ nhớ kép hỗ trợ thẻ SD UHS-II. Phần ngàm ống kính Micro Four Thirds cho phép bạn có thể sử dụng nhiều loại ống kính nhỏ gọn có chất lượng cao.
Đánh giá Panasonic Lumix G9 II – Chất lượng hình ảnh
Review cảm biến hình ảnh trên Panasonic Lumix G9 II
Panasonic Lumix G9 II sử dụng cảm biến M4/3 với độ phân giải 25,2MP có những nét tương đồng với cảm biến trên dòng Lumix GH6 (hỗ trợ hơn cho việc quay video). Cảm biến này cũng cung cấp phạm vi độ nhạy từ ISO 100 đến 25600 và có thể mở rộng xuống ISO 50. Bên cạnh đó, tốc độ màn trập của G9 II cũng khá cao ở mức 1/8000 giây hoặc 1/32.000 giây với màn trập điện tử.
Review hệ thống lấy nét tự động trên Panasonic Lumix G9 II
Điểm nâng cấp đáng chú ý trên Lumix G9 II đó là sử dụng hệ thống lấy nét tự động theo pha giống trên Panasonic Lumix S5 II. G9 II sở hữu 779 điểm lấy nét theo pha bao phủ toàn bộ khung hình, hứa hẹn đem đến hiệu suất lấy nét nhanh và chính xác hơn. Đồng thời hệ thống này cũng sẽ loại bỏ hiện tượng wobbling (rung lắc) khi quay video.
Chiếc G9 thế hệ thứ 2 này cũng được sở hữu hệ thống phát hiện chủ thể được xem là mới nhất của Panasonic. Cụ thể thì Panasonic G9 II có thể nhận diện được thêm ô tô và xe máy. Bên cạnh đó các thuật toán giúp nhận diện con người hay động vật cũng được nâng cao hơn.
Review Panasonic Lumix G9 II – Khả năng chụp liên tiếp
Panasonic Lumix G9 II gây ấn tượng với mình về khả năng chụp ảnh liên tiếp với tốc độ rất ấn tượng. Cụ thể thì G9 II có thể chụp ở tốc độ 75 khung hình/giây khi sử dụng màn trập điện tử với tiêu điểm cố định hoặc 60 khung hình/giây với AF liên tục.
Khi sử dụng màn trập cơ học thì tốc độ sẽ giảm xuống khoảng 14 khung hình/giây với AFS và 10 khung hình/giây với AFC. Bộ nhớ đệm trên Lumix G9 II cũng đáng chú ý khi có thể ghi tối đa 160 bức ảnh, ngay cả khi bạn chụp cả ảnh RAW và JPEG cùng lúc.
Tính năng chụp trước khi chụp liên tiếp cũng được nâng cấp. Điều này cho phép G9 II có thể ghi được những hình ảnh trước khoảng 1,5 giây khi bạn nhấn nút chụp.
Khả năng chống rung của G9 II cũng được đánh giá cao khi máy có thể giảm thiểu hiện tượng rung lắc đến 8stop, giúp việc quay chụp mà không cần gimbal dễ dàng hơn.
Chụp multi-shot 100MP và cấu hình Leica Monochrome
Cũng đáng chú ý không kém đó là khả năng chụp ảnh multi-shot hay còn gọi là chụp ảnh đa điểm với độ phân giải lên đến 100MP. Về cơ bản thì tính năng này cũng khá giống với các tính năng chụp multi-shot trên Sony hay Fuji.
Ngoài ra, trên G9 II sẽ có chế độ chụp màu đơn sắc Leica Monochrome mới đem đến độ tương phản ấn tượng giữa màu trắng và đen, nổi bật hơn nhiều so với các kiểu ảnh B&W khác.
Chất lượng hình ảnh và cấu hình màu của Panasonic Lumix G9 II
Khả năng quay video trên Panasonic Lumix G9 II
Một trong những nâng cấp đáng kể nhất mà Panasonic đã trang bị cho chiếc máy ảnh mới nhất của mình so với chiếc G9 tiền nhiệm đó là khả năng quay video. Panasonic Lumix G9 II có thể quay video ở độ phân giải lên đến 5,7K với tốc độ 60 khung hình/giây và 4K/120fps 0-bit 4:2:2 hoặc 4:2:0 (tùy thuộc vào tỷ lệ khung hình).
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ghi ProRes 422 HQ và ProRes 422 vào ổ SSD bên ngoài với một điểm lưu ý là nếu bạn đang ghi ở tốc độ hơn 60 khung hình/giây thì cần vừa quay vừa sạc.
Giới thiệu máy ảnh Panasonic Lumix G9 II
Ở độ phân giải 5,8K ở tốc độ lần lượt 30p/25p/24p 4:2:0 10-bit anamorphic 4:3 và 4,4K ở tốc độ 60p/50p/48p sẽ được quay với toàn bộ diện tích của cảm biến. Lumix G9 II cũng được tích hợp sẵn V-Log/V-Gamut cung cấp hơn 13 điểm dừng của dải động rộng và khi sử dụng chế độ Dynamic Range Boost cho phép mở rộng lên hơn 14 điểm dừng.
Những nâng cấp này cho thấy Panasonic Lumix G9 II sẽ là chiếc máy ảnh cảm biến M4/3 làm tốt ở cả khoản quay video và chụp ảnh tĩnh.
Tổng kết
Xét trên mọi khía cạnh thì Panasonic Lumix G9 II được cải tiến rất nhiều so với người tiền nhiệm G9 đã 5 năm tuổi. Cảm biến với độ phân giải lớn hơn mặc dù nếu để so sánh với những chiếc máy ảnh full-frame thì vẫn là một sự khập khiễng. Bộ xử lý Venus Engine mới với công nghệ L² nhanh hơn gấp 2 lần so với bộ xử lý thế hệ trước được sử dụng trong G9.
Bên cạnh đó là khả năng quay video cũng được nâng cấp đáng kể với khả năng quay video 5,7K ProRes cho cho đầu ra SSD ngoài, được hỗ trợ bởi bộ xử lý nhanh và tính năng tự động lấy nét theo pha hiệu quả nhất của Panasonic.
Trên đây là bài review Panasonic Lumix G9 II của Tokyo Camera, nếu là bạn thì bạn có mua chiếc máy ảnh sử dụng cảm biến Micro Four Thirds siêu nhanh này không? Hãy để lại bình luận phía bên dưới nhé.