Khi tìm mua ống kính, đặc biệt là ống kính Canon, có lẽ bạn đã không ít lần bắt gặp các ký hiệu ống kính STM và USM. Vậy ý nghĩa của STM và USM là gì? Đâu là sự khác nhau giữa hai loại ống kính này? Hãy cùng TokyoCamera tìm hiểu qua bài viết sau đây.
STM là gì? USM là gì?
Trước hết, cần hiểu rõ rằng STM (viết tắt của Stepping Motor) và USM (Ultrasonic Motor) đều là các công nghệ lấy nét tự động được Canon tích hợp vào các ống kính của mình. Trong khi USM là công nghệ có phần “thương hiệu” của riêng Canon, STM lại trở nên phổ biến và được hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành nhiếp ảnh ứng dụng.
Ống kính STM sử dụng hệ thống lấy nét tự động dạng motor bước, trong khi ống kính USM sử dụng rung động siêu âm để cung cấp năng lượng di chuyển cụm thấu kính lấy nét. Những ký hiệu này không liên quan gì đến quang học và bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt về chất lượng hình ảnh khi so sánh lens STM và USM.
Khi lựa chọn giữa ống kính Canon STM và USM, hãy cân nhắc nhu cầu của bản thân là gì. Bạn cần biết rằng ống kính USM lớn hơn, đắt hơn với hệ thống lấy nét chính xác hơn và phù hợp với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ống kính STM sử dụng hệ thống lấy nét cơ bản hơn; chúng rẻ hơn, nhỏ hơn và êm hơn, là lựa chọn tốt nhất cho người nghiệp dư và người quay video. Hãy cùng nhìn vào lịch sử phát triển công nghệ lấy nét tự động của Canon để hiểu thêm về hai dòng ống kính này.
Ống kính STM và USM trong lịch sử phát triển công nghệ lấy nét của Canon
Tháng 3/1987, Canon đã giới thiệu một hệ thống lấy nét tự động hiệu suất cao được gọi là EOS (Electro-Optical System/Hệ thống quang điện tử). Hệ thống này đặt động cơ lấy nét tự động – động cơ được sử dụng để điều khiển cơ chế lấy nét – vào ngay bên trong ống kính. Điều này trái ngược với các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như Nikon, những người đã đặt động cơ lấy nét tự động vào máy ảnh.
Ngày nay, việc đặt động cơ AF vào ống kính là tiêu chuẩn và hầu như mọi nhà sản xuất đều sản xuất ống kính theo cách này. Kế thừa di sản đó, Canon đã tạo ra một số loại động cơ AF mới kể từ khi giới thiệu hệ thống EOS ban đầu, dẫn đến các tùy chọn AF trên ống kính khác nhau, bao gồm cả thiết kế STM và USM.
Lens USM là gì?
Dòng máy EOS đầu tiên của Canon có hai loại động cơ lấy nét tự động, một trong số đó là thiết kế USM hay ultrasonic motor (động cơ siêu âm). Ống kính Canon USM sử dụng rung động siêu âm để cung cấp năng lượng cho cơ chế lấy nét tự động và điều này đi kèm với một số lợi thế rõ ràng:
Tốc độ lấy nét
Đầu tiên, ống kính Canon USM có tốc độ phản hồi rất nhanh. Chúng được thiết kế để lấy nét nhanh nhất có thể, điều đó có nghĩa là ống kính USM hoàn hảo cho các nhiếp ảnh gia chụp ảnh hành động, động vật hoang dã và chụp ảnh chim.
Vì lý do này, ống kính USM có xu hướng đắt hơn so với ống kính thông thường, bao gồm ống kính STM và ống kính DC truyền thống.
Lấy nét thủ công cơ học
Thứ hai, ống kính Canon USM cho phép bạn lấy nét thủ công theo cách cơ học trực quan nhất: Bạn xoay vòng lấy nét và các thành phần lấy nét bên trong ống kính cũng di chuyển ăn khớp theo đó.
Ngược lại, ống kính STM có thể có một số độ trễ khi lấy nét thủ công – vì không có khớp nối cơ học với vòng lấy nét. Ngoài ra, vì ống kính USM khớp nối cơ học vòng lấy nét với cơ chế lấy nét bên trong ống kính, nên bạn cũng có thể lấy nét thủ công ống kính ngay cả khi tắt máy ảnh.
Mặc dù đặc tính này không thực sự hữu ích trong các điều kiện chụp thông thường ưu tiên tốc độ, nhưng bạn có thể sẽ đánh giá cao lợi ích này nếu chụp ảnh khi pin yếu; bạn có thể lấy nét ống kính trước, sau đó bật lên và chụp ảnh.
Ví dụ về ống kính USM
Các ống kính cho máy ảnh DSLR: Canon EF 35mm f/1.4L USM, Canon EF 35mm f/2 IS USM, Canon EF 16-35mm f/4L IS USM, Canon EF 85mm f/1.8 USM, Canon EF 17-40mm f/4L USM, Canon EF 24–105mm f/4L IS II USM, Canon EF 70-200mm f/4L IS II USM,…
Bên cạnh đó, Canon vẫn tiếp tục mang USM lên các ống kính cho hệ máy ảnh mirrorless EOS R mới nhất của mình với Canon RF 70-200mm f/2.8 L IS USM Z, Canon RF 85mm f/1.2 L USM hay Canon RF 100mm f/2.8 L Macro IS USM,… Một số ống kính được trang bị phiên bản Nano USM mới với những cải tiến về độ ồn và khả năng chuyển nét mượt mà, nhưng nhìn chung vẫn phù hợp với ảnh tĩnh hơn là video: Canon RF 14-35mm f/4 L IS USM, Canon RF 24-105mm f/4L IS USM,…
Lens STM là gì?
Mặc dù ống kính USM cực kỳ nhanh, chúng không hề êm ái khi vận hành. Và đây là vấn đề đối với các nhà quay phim, vì hoạt động lấy nét ồn ào có thể bị micro thu lại và làm giảm chất lượng âm thanh. Đó là lý do tại sao Canon giới thiệu một loại động cơ lấy nét tự động khác: thiết kế STM hoặc động cơ bước.
Ống kính STM có động cơ bước cung cấp DC (dòng điện một chiều) chạy qua nhiều cuộn dây được sắp xếp thành nhóm, cung cấp dòng điện cho các nhóm theo trình tự để quay động cơ từng bước một. Nhiều nhóm hơn cho phép thực hiện các bước hoặc chuyển động chính xác hơn. Thiết kế này mang đến một số lợi ích:
Ống kính AF yên tĩnh
Ống kính STM yên tĩnh hơn nhiều so với ống kính USM, và đây là những gì các nhà làm phim cần. Nhược điểm là chúng không lấy nét nhanh bằng. Ống kính STM không thực sự chậm chạp, nhưng chúng không quá nhanh, nhất là ở các ống kính tele có tiêu cự dài với nhiều thành phần thấu kính nặng cần di chuyển và không thể cạnh tranh với ống kính USM về tốc độ.
Lấy nét mượt mà
Ống kính USM nhanh, nhưng chúng có thể chớp nhoáng quá mức cần thiết. Động cơ AF khởi động, dừng lại, di chuyển qua lại như tia chớp. Và điều này thật tệ đối với quay phim, khi bạn muốn lấy nét mượt mà và chính xác. Ống kính STM khắc phục vấn đề này bằng cách đảm bảo lấy nét mượt mà tuyệt đẹp.
Tất nhiên, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia, bạn sẽ không quan tâm đến việc lấy nét mượt mà như thế nào. Nhưng nếu bạn là một nhà quay phim, thì đây có thể là sự khác biệt giữa những cảnh quay đẹp, mượt mà và những cảnh quay giật cục, khó chịu.
Ví dụ về ống kính STM
Các ống kính cho máy ảnh DSLR: Canon EF 50mm f/1.8 STM, Canon EF 24-105mm f/3.5-5.6 IS STM, Canon EF-S 18-135mm f/3.5-5.6 IS STM, Canon EF-S 35mm f/2.8 Macro IS STM, Canon EF-S 10-18mm f/4.5-5.6 IS STM,…
Các ống kính cho máy ảnh mirrorless: Canon RF 28-70mm f/2.8 IS STM, Canon RF 24-50mm f/4.5-6.3 IS STM, Canon RF 85mm f/2 Macro IS STM, Canon RF 16mm f/2.8 STM,…
So sánh lens STM và USM
Ưu điểm của lens USM so với STM là gì?
Ống kính USM nhanh hơn nhiều so với ống kính STM, khiến USM trở thành lựa chọn tốt hơn cho các nhiếp ảnh gia hành động, nhiếp ảnh gia đường phố và nhiếp ảnh gia động vật hoang dã.
Ống kính USM cũng cung cấp khả năng lấy nét thủ công mượt mà hơn, nhờ kết nối cơ học giữa vòng lấy nét và cơ chế lấy nét. Điều này rất quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia thường xuyên lấy nét thủ công, chẳng hạn như nhiếp ảnh gia chụp cận cảnh và phong cảnh.
Ưu điểm của lens STM so với USM là gì?
Ống kính STM mượt mà hơn nhiều so với ống kính USM. Đây là chìa khóa cho các nhà quay phim cần giữ cho cảnh quay mượt mà nhất có thể.
Ống kính STM cũng êm hơn nhiều so với ống kính USM. Trong khi một số ống kính USM ồn hơn rõ rệt so với những ống kính USM khác, có thể nhận định chung rằng chúng không phải là những hệ thống lấy nét thực sự yên tĩnh – đây chính xác là điều bạn không muốn nếu bạn đang ghi âm thanh.
Bạn nên chọn lens nào giữa STM và USM?
Khi lựa chọn giữa ống kính STM và USM, bạn sẽ muốn cân nhắc một số yếu tố đã được đề cập ở trên.
Ống kính USM cực kỳ nhanh, nhưng chúng cũng ồn. Và chúng không hề mượt mà. Ngược lại, ống kính STM chậm hơn một chút. Nhưng chúng cung cấp khả năng lấy nét êm ái, mượt mà, hoàn hảo cho quay phim.
Đó là lý do tại sao ống kính USM là lựa chọn đáng cân nhắc cho bất kỳ nhiếp ảnh gia nào đang tìm kiếm trải nghiệm AF nhanh nhất có thể, trong khi ống kính STM được khuyên dùng cho bất kỳ nhà quay phim nào đang tìm kiếm trải nghiệm lấy nét êm ái, mượt mà nhất.
Lưu ý rằng ống kính STM có xu hướng rẻ hơn nhiều so với ống kính USM, điều này khiến chúng trở thành lựa chọn tiết kiệm cho người dùng mới bắt đầu sử dụng máy ảnh, ngay cả khi bạn không có ý định quay video.
Tổng kết
Cả ống kính USM và STM đều là cơ chế lấy nét tuyệt vời và cả hai đều có thể hoạt động tốt cho nhiếp ảnh tĩnh và quay phim. Tuy nhiên, ống kính USM rõ ràng được thiết kế dành cho các nhiếp ảnh gia chụp ảnh tĩnh, trong khi ống kính STM được thiết kế riêng cho nhu cầu của các nhà quay phim.
Vì vậy, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chụp ảnh tĩnh và cần lấy nét nhanh, hãy sử dụng USM. Và nếu bạn là một nhà quay phim và muốn lấy nét mượt mà và yên tĩnh nhất có thể, hãy sử dụng STM. Hy vọng bài viết đã giúp bạn trả lời được câu hỏi ống kính STM và USM là gì để có lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.