Mới đây, chương trình Planet Earth III đã phát sóng thước phim đẹp mắt ở hang Sơn Đoòng, Việt Nam trên đài BBC. Được biết, để ghi hình lại được những cảnh quay đáng kinh ngạc này, nhà làm phim Luke Nelson đã dành 17 ngày sống ở độ sâu hơn 200m dưới lòng đất tại hang Sơn Đoòng ở Việt Nam.
Thông tin về thước phim được quay ở hang Sơn Đoòng trên đài BBC
Trong cuộc phỏng với Variety, nhà quay phim Nelson đã giải thích về thách thức to lớn mà đoàn làm phim phải đối mặt khi chiếu sáng Hang Sơn Đoòng và cách nhóm cần đến máy ảnh và ống kính chuyên dụng để ghi lại vẻ đẹp của hang động và dòng sông ngầm.
Dành cho những bạn chưa biết thì hang Sơn Đoòng ở đất nước ta được cho là hang động lớn nhất trên Trái Đất, như Sir David Attenborough giải thích trong tập sáu của loạt phim Planet Earth III năm 2023. Tập phim “Extremes” đã thu hút sự chú ý đáng kể cho phân đoạn Hang Sơn Đoòng. Nói một cách đơn giản, đó là một kỳ quan. Đáng ngạc nhiên là nó cũng là một hang động rất mới, vì hang động này chỉ mới được phát hiện vào những năm 1990 và kể từ đó đã được khám phá tương đối ít do các yêu cầu về giấy phép và những thách thức theo mùa.
Theo BBC “Hang Sơn Đoòng, Việt Nam, một trong những hang động lớn nhất trên Trái Đất. Đây là cánh cổng dẫn đến một thế giới mới, sâu hai trăm mét dưới lòng đất. Thực vật chỉ có thể sống sót ở nơi này vì ánh sáng chiếu qua một lỗ trên mái hang động. Đi sâu hơn vào trong hang, bạn sẽ bước vào một thế giới hoàn toàn tối tăm, nơi không có thực vật nào có thể phát triển nhưng đáng ngạc nhiên là có thể tìm thấy sự sống. Để quay phim địa điểm phi thường này, nhóm đã làm việc và cắm trại trong 17 ngày dưới lòng đất, lâu hơn bất kỳ ai khác đã dành trong hang động này.”
Khi Nelson và đoàn thám hiểm đến Hang Sơn Đoòng, họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các thiết bị ghi hình cùng với đó là sự giúp đỡ từ bên đơn vị chuyên cung cấp tour khám phá hang Sơn Đoòng – Oxalis Adventure, để có thể ghi hình trong hang Sơn Đoòng trong thời gian cực dài lên tới hơn hai tuần.
Ekip thực hiện thước phim đã sử dụng nhiều loại máy ảnh khác nhau, bao gồm flycam, drone công nghiệp, máy ảnh DSLR và máy quay phim lớn mà theo Nelson thì “Mỗi thiết bị đều có mục đích riêng trong từng cảnh quay”.
Nelson cho biết nhóm đã sử dụng một bộ ống kính Sigma full-frame prime, một ống kính Arri Alura 15-45mm và một ống kính zoom Angénieux Optimo Ultra 12x. Ông nói thêm rằng việc có một ống kính zoom điện ảnh đặc biệt hữu ích trong hang động vì môi trường bụi bặm khiến việc thay đổi ống kính liên tục trở nên bất tiện.
Vấn đề ánh sáng trong một hang động lớn và hoang sơ như Sơn Đoòng chắc chắn là một khó khăn đối với đoàn làm phim. Để chiếu sáng cho các thước phim được quay trong hang xuyên suốt 17 ngày, nhóm đã sử dụng nhiều loại đèn khác nhau trong quá trình quay phim, bao gồm iPhone, đèn pin, đèn đội đầu, tấm đèn LED tự chế và đèn công nghiệp lớn. Nhóm thậm chí còn xây dựng một thiết lập đèn LED tùy chỉnh trên máy bay không người lái, cung cấp một trong những cảnh quay đáng chú ý nhất của chuyến đi.
Những hình ảnh về hang Sơn Đoòng vẫn còn khá ít nên những đoạn phim về hang động lớn nhất thế giới này trong Planet Earth III, chắc chắn sẽ là những tư liệu cực kỳ hiếm để thế giới biết đến sự tồn tại của một thiên đường trên thế giới ở Việt Nam.