Chụp ảnh động vật, đặc biệt là các loài chim luôn là phép thử chứng minh tay nghề lão luyện của các nhiếp ảnh gia. Qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ nắm được phương pháp để có thể chụp ảnh các loài chim một cách tối ưu nhất.
Cách chụp ảnh các loài chim – Thiết bị và thông số
Thiết bị
Bạn nên sử dụng một ống kính tele có tiêu cự dài hơn 300mm để có khoảng cách an toàn và không đánh động các loài chim khi tác nghiệp. Trong điều kiện ánh sáng tốt, các ống kính zoom tele có khẩu độ không quá lớn và tích hợp chống rung quang học là lựa chọn đáng cân nhắc. Tuy nhiên, nếu muốn bắt những khoảnh khắc chim bay hoặc chụp trong điều kiện thiếu sáng, một ống kính prime tele khẩu độ từ f/2.8 trở lên sẽ là giải pháp tối ưu. Khi đó, bạn có thể thiết lập những tốc độ màn trập rất cao mà vẫn có đủ ánh sáng cho bức ảnh.
Để có góc nhìn tập trung hơn, bạn có thể sử dụng máy ảnh với cảm biến có cảm biến crop (APS-C hoặc M43) hoặc kích hoạt chế độ crop trên các thân máy full-frame. Dù vậy, cảm biến lớn luôn có ưu thế về chụp ảnh thiếu sáng cũng như tốc độ xử lý và độ bền bỉ khi làm việc trong thời gian dài. Với hiệu suất cao, tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ thông minh, các thân máy và ống kính đến từ Sony, Nikon, Canon đang được đánh giá là phù hợp nhất cho chủ đề nhiếp ảnh này. Cùng với đó, một thẻ nhớ dung lượng lớn và tốc độ đọc/ghi đạt chuẩn UHS-II trở lên sẽ là bạn đồng hành đáng tin cậy của nhiếp ảnh gia.
Cách chụp ảnh các loài chim – Thiết lập thông số
Để chủ động kiểm soát chất lượng hình ảnh, nên chụp ở chế độ Aperture Priority (ưu tiên khẩu độ) hoặc Manual. Do các loài chim thường di chuyển rất nhanh và bất ngờ, người chụp nên sử dụng tốc độ màn trập nhanh (khoảng 1/500 đến 1/1000s hoặc hơn), kết hợp với khẩu độ kiểm soát ở f/4 đến f/5.6 đảm bảo chủ thể sắc nét trong khung hình. Một công thức được các nhiếp ảnh gia tin dùng là tốc độ màn trập luôn phải ít nhất bằng với mức tiêu cự (quy đổi ra định dạng 35mm). Ví dụ: tiêu cự 500mm trên máy ảnh full-frame cần đến tốc độ màn trập 1/500s để hình ảnh không bị rung, nhoè.
Sau đó, để thu đủ sáng, bạn có thể để máy tự thiết lập ISO ở mức phù hợp, bởi các máy ảnh mirrorless xử lý nhiễu khá tốt ở mức ISO lên đến 6400. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng chế độ chụp liên tiếp (Continuous/Burst Mode) cũng như lấy nét tự động liên tục (AF-C) kết hợp với tính năng theo dõi chủ thể Subject Tracking/Animal AF trên các máy ảnh hàng đầu để không bỏ lỡ một khoảnh khắc đáng giá nào. Nếu đang tìm kiếm hiệu suất chụp chim tối ưu nhất, bạn có thể tham khảo các mẫu máy như Nikon Z8, Canon EOS R3 hoặc Sony Alpha A9 II.
Cách chụp ảnh các loài chim – Bố cục hình ảnh
Địa điểm
Trước khi đi chụp, hãy tìm hiểu về các địa điểm chim xuất hiện thông qua những người có kinh nghiệm, các hội nhóm về chim hay mạng internet. Công viên và các khu vực có nhiều cây cối trong thành phố là lựa chọn dễ dàng để bắt đầu. Nếu muốn chụp được các loài chim thú vị và hiếm hơn, bạn hãy tìm đến các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển, nhưng cần chú ý đến các quy định trong khu vực và tuyệt đối không để lại rác thải hay dấu chân, làm tổn hại đến hệ sinh thái ở đó.
Lưu ý về bối cảnh
Khi thiết lập bố cục ảnh chụp chim, dễ dàng nhất là bạn hãy tìm kiếm những hậu cảnh đơn sắc (nhưng không nên trùng với màu sắc của chủ thể) hoặc không có nhiều màu sặc sỡ “nhấn chìm” chủ thể. Sử dụng các ống kính tele cho phép làm mờ hậu cảnh, giúp người xem không bị phân tâm bởi các chi tiết xung quanh.
Đối với chim bay và lướt trên mặt nước, bạn cần phán đoán trước hướng di chuyển của chúng và bố cục khung hình sao cho phía trước chủ thể có một khoảng trống phù hợp. Tránh đặt chủ thể sát với mép khung hình, điều đó sẽ tạo cảm giác chật chội, vướng víu và bí bách cho bức ảnh.
Khi muốn chụp một bức ảnh với sự tương tác ánh nhìn kịch tính, hãy sử dụng bố cục trung tâm và cân bằng sao cho chủ thể có vẻ như đang lao thẳng về phía bạn. Bạn càng lại gần chủ thể bao nhiêu thì hình ảnh sẽ càng “chấn động” và mạnh mẽ bấy nhiêu. Nếu có thể, hãy sử dụng chế độ chụp liên tiếp để có thêm nhiều lựa chọn về bố cục khi hậu kỳ.
Bí kíp để chủ động xây dựng bố cục ảnh
Một phương pháp cũng được các nhiếp ảnh gia ưa thích là sắp đặt các cành cây hoặc sào cho chim đậu cùng với các loại mồi để “dụ” chim đến, giúp người chụp chủ động trong việc bố cục hình ảnh và lấy nét kỹ càng hơn. Vị trí sắp đặt này tốt nhất nên cách xa các công trình nhân tạo cũng như các loài động vật xâm lấn như mèo, chuột, sóc,… để chim cảm thấy an toàn khi đậu xuống. Để bức ảnh có thêm chiều sâu và màu sắc, hãy quan sát ánh sáng trong ngày ở địa điểm và chọn thời gian chụp để có ánh sáng tự nhiên đẹp nhất.
Tổng kết
Mong rằng qua bài viết này, các bạn đã có cho mình những hiểu biết nhất định về cách chụp ảnh các loài chim. Để hiểu rõ hơn về các thiết bị và tính năng cần cho chụp chim, các bạn có thể tham khảo về ống kính tele cũng như các chế độ lấy nét và cách sử dụng hiệu quả nhất. Nếu bạn đang tìm kiếm một thiết bị phù hợp để bắt đầu chụp ảnh chim, các mẫu máy ảnh Canon với tốc độ chụp lên tới 40 khung hình/giây sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc. Tokyo Camera chúc các bạn có được những tác phẩm ưng ý!