Mới đây, Fujifilm đã công bố sẽ đem bộ tiêu chuẩn kỹ thuật số C2PA lên các máy ảnh dòng X và GFX, động thái nối tiếp sau khi hãng công nghệ này gia nhập Liên minh về Nguồn gốc và Xác thực Nội dung (C2PA) và Sáng kiến Xác thực Nội dung (CAI).
Fujifilm đem C2PA lên máy ảnh dòng X và GFX – Thông tin chi tiết
Trong thông cáo báo chí ngày 16/5 về sự ra mắt của chiếc máy ảnh GFX 100S II, Fujifilm cho biết hãng đã có kế hoạch gia nhập Sáng kiến Xác thực Nội dung (Content Authenticity Initiative) nhằm có được sự chứng nhận cho các máy ảnh ống kính rời của mình.
“Trong những năm gần đây, nỗ lực tái xây dựng sự tin cậy trên không gian số bằng cách chứng minh tính xác thực của ảnh, video và các nội dung trực tuyến khác đã trở thành một mục tiêu toàn cầu quan trọng. Để duy trì nỗ lực này và giúp các hoạt động sáng tạo và kinh doanh có cơ hội phát triển, Fujifilm đã tham gia hai tổ chức, Liên minh Nguồn gốc và Xác thực Nội dung (C2PA) và Sáng kiến Xác thực Nội dung (CAI).” đại diện Fujifilm cho biết.
Sáng kiến Xác thực Nội dung (CAI) được Adobe thành lập và là một tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật mở nhằm giải quyết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến bằng cách cung cấp phương pháp chứng nhận nguồn và lịch sử (xuất xứ) của nội dung kỹ thuật số – cụ thể là ảnh. Gần đây, nó cũng mở rộng phạm vi sang việc xác định nội dung do AI (trí tuệ nhân tạo) tạo ra. Tới nay, CAI đã có sự tham gia của các tập đoàn truyền thông và công nghệ trên toàn cầu, bao gồm cả các nhà sản xuất máy ảnh. Tổ chức hướng tới thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn ngành mở có tên là Chứng thực nội dung (Content Credentials).
Cam kết và kế hoạch trong tương lai
Fujifilm bày tỏ hy vọng sự hợp tác với các tổ chức này sẽ cho phép nguồn gốc của nội dung được xác minh trực tuyến thông qua Content Credentials. Qua liên kết với C2PA và CAI, Fujifilm cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các hệ thống cung cấp ngữ cảnh và lịch sử của nội dung số bằng cách đưa các thông tin như nguồn gốc và bản ghi nội dung vào tệp tin.
Hãng đưa ra cam kết sẽ triển khai chứng nhận C2PA cho máy ảnh dòng X và GFX thông qua bản cập nhật firmware. Đây cũng là phương pháp được Sony ứng dụng, cho phép đem C2PA lên các máy ảnh đã bán ra thị trường. Trong khi đó, hãng máy ảnh lâu đời Leica lại quyết định tích hợp C2PA vào phần cứng của các sản phẩm sắp ra mắt. Tuy nhiên, thời điểm cập nhật của các hãng chưa đều được tiết lộ.