Hiện là hai cái tên hot nhất trong làng máy ảnh mirrorless dành cho các nhà sáng tạo nội dung năm 2024, Sony ZV-E10 II và Panasonic S9 được trang bị đầy đủ tính năng và thông số đáp ứng các nhu cầu chụp ảnh, quay video thời thượng của bạn. Hãy cùng TokyoCamera so sánh Sony ZV-E10 II vs Panasonic Lumix S9, cả về điểm mạnh và yếu để xem đâu mới là cái tên phù hợp hơn với bạn nhé!
Thông số kỹ thuật của Sony ZV-E10 II vs Panasonic Lumix S9
Sony ZV-E10 II | Panasonic Lumix S9 | |
Ngày ra mắt | 10/7/2024 | 22/5/2024 |
Cảm biến | 26MP APS-C BSI-CMOS | 24MP Full-frame CMOS, không có bộ lọc khử răng cưa |
ISO | ISO 100 – 32000 (mở rộng 50-102400) | ISO 100 – 51200 (mở rộng 50 – 204800) |
Hệ ngàm | Sony E Mount | Leica L Mount |
Màn hình | 3 inch xoay lật | 3 inch xoay lật |
Tốc độ chụp liên tục | 11.0fps | 30.0fps |
Độ phân giải video | 4K 3840×2160 | 6K 5952 x 3968 |
Tốc độ khung hình tối đa | 120fps Full HD | 180fps Full HD |
Ổn định hình ảnh | Điện tử | Sensor-shift, điện tử |
Kích thước | 377g, 121 x 68 x 54 mm | 486g, 126 x 74 x 47 mm |
Sony ZV-E10 II và Panasonic S9 – Kích thước và trọng lượng
Kích thước là yếu tố quyết định khi bạn đang cố gắng tìm máy ảnh lý tưởng cho nhu cầu sáng tạo nội dung nhanh chóng. Sony ZV-E10 Mark II có kích thước bên ngoài là 121 x 68 x 54mm và nặng 377g (bao gồm cả pin). Panasonic Lumix S9 có kích thước bên ngoài là 126 x 74 x 47mm và nặng 486g.
Dưới đây, bạn có thể xem so sánh kích thước mặt trước của Sony ZV-E10 II và Panasonic S9. Sony ZV-E10 II hẹp hơn 5mm và ngắn hơn 6mm so với Panasonic S9 nhưng cũng dày hơn 7mm.
Trọng lượng là một yếu tố quan trọng khác, đặc biệt là khi quyết định chọn máy ảnh mà bạn muốn mang theo bên mình cả ngày. Sony ZV-E10 II nhẹ hơn đáng kể (109g) so với Panasonic S9, điều này là một ưu điểm lớn, đặc biệt là trong những chuyến đi bộ đường dài.
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc rằng trọng lượng thân máy không phải là yếu tố quyết định duy nhất khi so sánh hai thân máy ảnh có thể hoán đổi ống kính với nhau. Bạn cũng phải tính đến ống kính mà bạn sẽ sử dụng với những thân máy này. Vì Panasonic S9 có cảm biến full-frame và Sony ZV-E10 II có cảm biến APS-C nhỏ hơn, nên ống kính của Sony ZV-E10 II có tiêu cự và khẩu độ tương tự thường sẽ nhẹ hơn và nhỏ hơn so với ống kính của Panasonic S9.
Sony ZV-E10 II vs Panasonic S9 – Tính năng và thao tác
Hệ thống điều khiển của Sony ZV-E10 II vs Panasonic Lumix S9
Về Panasonic S9, thiết kế bóng bẩy, nhiều màu sắc và không có báng cầm mặc dù có vẻ rất đẹp khi cầm trên tay, lại khá khác biệt với dáng vẻ hầm hố chuyên nghiệp thường thấy của dòng máy Lumix và không mang lại cảm giác cầm nắm chắc chắn trong thời gian dài. Báng cầm SmallRig tùy chọn sẽ là một phụ kiện cần thiết. Các núm xoay trên cùng dễ thao tác, nhưng núm xoay phía sau thì cực kỳ vướng víu và khó sử dụng.
Về phần Sony ZV-E10 II, Sony cung cấp một báng cầm sâu để chứa pin loại Z. Máy cân bằng tốt với các ống kính nhỏ hơn, nhưng các ống kính chuyên nghiệp lớn hơn sẽ không cho ngón tay của bạn nhiều không gian để di chuyển.
Trải nghiệm giao diện của ZV-E10 II vs Lumix S9
Dù S9 rõ ràng nhắm đến người mới bắt đầu, nhưng giao diện video đã được kế thừa từ các thân máy Lumix cao cấp hơn. Vì vậy, mặc dù các tùy chọn như hiển thị waveform, ghi open gate và khử nén anamorphic là rất hữu ích, nó sẽ có phần “ngợp” đối với đối tượng sử dụng chính của máy ảnh này.
Giao diện menu của Sony rõ ràng được thiết kế nhiều hơn cho người mới bắt đầu, với một vài điều khiển sáng tạo trên màn hình cảm ứng ở chế độ tự động và các tùy chọn dễ hiểu như nút ‘Background Defocus’ có thể giúp người dùng thử nghiệm độ sâu trường ảnh. Tuy nhiên, Sony không cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ để kiểm soát hình ảnh và âm thanh như trên Panasonic.
GIữa Sony ZV-E10 II vs Panasonic S9, với đối tượng người dùng mới tiếp cận, có vẻ Sony đã làm tốt hơn trong việc tối ưu hóa máy ảnh để người dùng có thể dễ dàng sử dụng.
Sony ZV-E10 II vs Panasonic S9 – Chất lượng hình ảnh và video
Cảm biến của Sony ZV-E10 II và Panasonic S9
Panasonic có cảm biến full frame, nhưng khá cũ. Nó sẽ cung cấp cho bạn nhiều dải động hơn và cải thiện hiệu suất ISO cao, cũng như một số cấu hình màu giàu chi tiết như V-Log và Like-709. Tuy nhiên, tốc độ đọc chậm của cảm biến lỗi thời này có nghĩa là hiện tượng biến dạng do rolling shutter thường xuất hiện khi lia máy. Ngoài ra, video 4K/60P được crop 1.5X, khiến diện tích thu sáng chỉ tương đương với cảm biến APS-C và không còn hỗ trợ lấy mẫu dư, làm giảm chi tiết và hiệu suất ánh sáng yếu.
Dù chỉ có định dạng APS-C, Sony mang đến một cảm biến hiện đại hơn nhiều. Nó có thể ghi hình lên đến 4K/30P mà không bị cắt xén, và 4K/60P vẫn được lấy mẫu dư, nhưng cần crop 1.1X không đáng kể. Sony cũng cung cấp cấu hình S-Log3 linh hoạt cho dải động tối đa và S-Cinetone cung cấp màu sắc tự nhiên khá tốt cho các biên tập viên muốn giảm thiểu việc chỉnh sửa hậu kỳ.
Đối với những người chủ yếu quay phim 60fps, Sony ZV-E10 II sẽ là lựa chọn phù hợp, nhưng đối với phần lớn người quay phim cần đến chất lượng hình ảnh thuần tuý, ít nhiễu và có độ sâu trường ảnh ấn tượng hơn, Panasonic S9 sẽ vượt trội trong nhiều tình huống. Lumix S9 đã chiến thắng sát sao ở điểm này.
Ổn định hình ảnh trong thân máy của Sony ZV-E10 II vs Panasonic S9
Dù chỉ sở hữu thân máy khiêm tốn, Panasonic S9 có khả năng ổn định video hàng đầu tại thời điểm này. Hệ thống IBIS hoạt động tuyệt vời cho các cảnh quay cầm tay và di chuyển nhẹ nhàng thực sự ổn định, với cái tên kỳ lạ là ‘Boost Mode’, cung cấp mức bù rung do giảm tốc độ màn trập đến 6.5-stops. Có thể sử dụng thêm chức năng ổn định kỹ thuật số với sự đánh đổi là hình ảnh bị crop, nhưng IBIS đã là khà đủ với nhu cầu thông thường. Dù vậy, nếu setup nhỏ gọn không phải là ưu tiên của bạn, hãy sử dụng gimbal và tripod để có chất lượng hình ảnh chuyên nghiệp nhất.
Sony có vẻ khá “cứng đầu” vì ZV-E10 ban đầu thiếu IBIS và họ vẫn kiên quyết giữ nguyên quyết định đó với ZV-E10 II. Ngay cả với ống kính ổn định quang học, cảnh quay vẫn bị rung giật đáng kể cho đến khi bật Active Steadyshot. Dù vậy, với tốc độ màn trập chậm hơn, bạn sẽ liên tục thấy các khung hình bị mờ nhoè khó chịu. Điều này khiến cho chức năng lấy nét tự động trông giống như đang gặp khó khăn, với toàn bộ khung hình bị “out nét”. Với tốc độ màn trập nhanh, chất lượng được cải thiện, nhưng giờ chuyển động của bạn sẽ trở nên khựng và giật. Nói một cách đơn giản, nếu bạn cần một thân máy ổn định để quay video khi di chuyển thì Panasonic S9 sẽ cho ZV-E10 II hít khói.
Hệ sinh thái ống kính của ZV-E10 II vs Lumix S9
Ngàm L full-frame trên S9 cho phép bạn tận dụng một lượng lớn các ống kính được tối ưu hóa cho video từ Panasonic và một số ống kính cực kỳ sắc nét nhưng được tối ưu hóa cho ảnh tĩnh từ Sigma. Có những công ty nhỏ khác tham gia Liên minh Ngàm L, nhưng Panasonic và Sigma là những cái tên đi đầu.
Vấn đề ở đây là có vẻ như không ai tiết lộ với các nhà thiết kế ống kính của Panasonic rằng một thân máy nhỏ gọn như Lumix S9 sẽ được ra mắt. Hầu hết các tùy chọn ống kính đều lớn và đắt tiền, và ống kính kit lấy nét thủ công 26mm f/8, khẩu độ cố định khá khó hiểu có vẻ như là một nỗ lực gấp rút để đáp ứng kích thước của S9. Lựa chọn thay thế gần nhất, ống kính 20-60mm cũng trông quá khổ so với thân máy này. Vẫn còn đó các ống kính nhỏ gọn trong hệ thống, như dòng I series và Contemporary của Sigma, nhưng chúng không hề rẻ hoặc được tối ưu hóa cho video.
Mặt khác, Sony đã âm thầm bổ sung dòng ống kính Sony APS-C của họ gần đây. Họ có một số ống kính prime góc rộng nhỏ, sắc nét để bù đắp cho cảm biến APS-C và có rất nhiều tùy chọn tuyệt vời của bên thứ ba với mức giá hợp lý như Sigma 10-18mm f/2.8 và Sigma 18-50mm f/2.8 Contemporary. Như vậy, nếu bạn đang cân nhắc ZV-E10 II vs Lumix S9 và muốn một thiết lập video nhỏ gọn với giá cả phải chăng nhất, thì Sony là lựa chọn tốt hơn.
Chất lượng âm thanh của ZV-E10 II vs Lumix S9
Panasonic S9 có phần hụt hơi ở tùy chọn âm thanh. Mặc dù có giắc cắm mic với bộ tiền khuếch đại tốt, nhưng việc thiếu một cổng vào tai nghe để theo dõi âm thanh là một thiếu sót đáng tiếc. Bạn thậm chí không thể sử dụng dongle trong cổng USB-C, giống như trên nhiều máy ảnh Fujifilm. Ngoài ra, đế cold shoe trên cùng không có kết nối điện, vì vậy bạn sẽ không thể sử dụng bộ chuyển đổi XLR tuyệt vời do Panasonic sản xuất, tương thích với hầu hết các máy ảnh khác của họ.
Ở phía đối diện, Sony cung cấp giắc cắm mic với bộ tiền khuếch đại tốt, giắc cắm tai nghe để kiểm âm và một hotshoe hỗ trợ nhiều phụ kiện âm thanh của Sony. ZV-E10 II tích hợp một micrô 3 màng âm chất lượng tốt, có khả năng thu đa hướng và một tấm chắn gió thực sự hữu dụng đi kèm máy. Điểm trừ duy nhất là mức âm thanh được hiển thị quá nhỏ trên màn hình khi ghi âm và không có chỉ báo nào về thời điểm chúng sẽ bị clip (vỡ). Về khả năng hỗ trợ âm thanh, ZV-E10 II đã đi trước một bước so với Lumix S9.
So sánh ZV-E10 II vs Lumix S9 về lấy nét tự động
Lumix S9 là thân máy Panasonic mới nhất cung cấp tính năng lấy nét tự động theo pha, giúp loại bỏ hiệu ứng “hunting” khó chịu mà các thân máy Panasonic thường gặp. Với một chủ thể duy nhất, AF hoạt động nhanh và chính xác như các thân máy S5 II/X cao cấp hơn. Tuy nhiên, nó có thể dễ bị nhầm lẫn khi xuất hiện nhiều chủ thể và có thể mất một lúc để lấy nét lại khi mất nét.
Sony ZV-E10 II sử dụng bộ xử lý Bionz XR mới nhất của Sony để lấy nét tự động, nhưng lại thiếu chip “AI” có trong các mẫu máy cao cấp. Không phụ sự kỳ vọng với một chiếc máy đến từ Sony, AF hoạt động tuyệt vời trong hầu hết các tình huống, dù đôi khi chế độ theo dõi và lấy nét liên tục của máy ảnh nhận diện nhầm và lấy nét vào hậu cảnh hoặc tiền cảnh. Điều này chắc chắn có thể gây khó chịu. Tuy nhiên, chế độ “Product Showcase” sẽ lấy nét vào khuôn mặt gần nhất trừ khi có vật gì đó được đưa lên máy ảnh hoạt động rất tốt và sẽ cực kỳ hữu ích cho những người dùng YouTube, TikTok và KOL nói chung về review hoặc quảng cáo sản phẩm.
Về công nghệ lấy nét, thực sự không có nhiều cái tên có thể bắt kịp với Sony ở thời điểm hiện tại. Do đó, ZV-E10 II sẽ phù hợp hơn nếu bạn cần những thước phim sắc nét với công sức bỏ ra tối thiểu.
So sánh thời lượng pin Sony ZV-E10 II và Panasonic S9
Panasonic S9 sử dụng pin BLK22 mới nhất giống như các thân máy dòng S và G khác. Thời lượng pin có thể chấp nhận được, với khả năng hoạt động liên tục khoảng hơn một tiếng hoặc chụp tối đa 470 tấm ảnh. Cần lưu ý rằng, máy nóng lên khá nhanh và chỉ có thể quay tối đa 15 phút trước khi cần hạ nhiệt.
ZV-E10 II sử dụng NP-FZ100, mẫu pin xuất hiện “nhẵn mặt” trên hầu hết thân máy Sony gần đây. Thời lượng pin thực sự ấn tượng với hơn 2 giờ ghi hình liên tục, hoặc chụp đến 610 tấm ảnh. Ở điều kiện nhiệt độ phòng khoảng 20 độ C, máy cũng có thể quay khoảng 25 phút video 4K 60fps trước khi cần khởi động lại, bỏ xa những gì Lumix S9 có thể cung cấp.
Mức giá của ZV-E10 II vs Lumix S9
Panasonic S9 có giá 1.500 đô la chỉ tính riêng thân máy hoặc 1.800 đô la với ống kính kit 20-60mm. Đừng lo lắng về giá của ống kính pancake 26mm, bạn thực sự sẽ không cần đến nó.
Sony ZV-E10 II có giá 1.000 đô la cho thân máy và 1.100 đô la với ống kính kit 16-50mm. Nói một cách đơn giản, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu bắt đầu với Sony.
Tổng kết
Khi đặt Sony ZV-E10 II vs Panasonic S9 lên bàn cân, rõ ràng chiếc máy từ Sony đã chiếm ưu thế ở nhiều hạng mục thực sự có ý nghĩa với người làm nội dung như âm thanh, lấy nét, các ống kính hỗ trợ, trọng lượng, thời lượng pin và độ thân thiện với người dùng. Hơn hết, giá cả và các tính năng của Sony sẽ phù hợp với nhiều đối tượng người dùng hơn so với lựa chọn của Panasonic.
Chiếc Lumix S9 vẫn sẽ hấp dẫn nếu bạn mong muốn tối ưu chất lượng hình ảnh, làm phim độc lập hoặc các dạng nội dung cá nhân khai thác yếu tố điện ảnh, nhờ kích thước cảm biến lớn và độ sâu trường ảnh mỏng hơn. Đây cũng là chiếc máy phù hợp nếu bạn thường xuyên ghi hình ngẫu hứng trong những buổi xuống phố đi dạo hoặc chuyến đi du lịch dài ngày mà không có sự hỗ trợ của phụ kiện gimbal.
Hy vọng rằng, qua bài so sánh Sony ZV-E10 II và Panasonic S9 của TokyoCamera, các bạn đã có cái nhìn khách quan và chân thực về hai mẫu máy đầy mạnh mẽ dành cho người sáng tạo nội dung này. Nếu đang tìm mua máy ảnh làm vlog chính hãng, bạn có thể ghé thăm các chi nhánh của TokyoCamera trên toàn quốc để có mức giá ưu đãi nhất. Chúc bạn luôn có được những thành phẩm ưng ý với chiếc máy ảnh của mình.