Fujifilm X-T50 vs X-T5: Kích Thước Có Quan Trọng?

Fujifilm X-T50 vs X-T5

Mới đây, Fujifilm đã cho ra mắt chiếc máy ảnh X-T50 mang nhiều điểm tương đồng với mẫu X-T5 cao cấp trong một thân hình nhỏ gọn hơn đáng kể. Hãy cùng Tokyo Camera so sánh Fujifilm X-T50 vs X-T5 để xem đâu mới là lựa chọn tối ưu của bạn nhé!

Điểm chung của Fujifilm X-T50 vs X-T5

Cảm biến và bộ xử lý

Được coi là phiên bản rút gọn của chiếc X-T5, X-T50 cũng được kế thừa cảm biến định dạng APS-C X-Trans CMOS 5 có độ phân giải 40.2 MP. Thiết kế BSI (back side illuminating – chiếu sáng sau) cho phép hình ảnh đạt được độ chi tiết và dải tương phản động rộng trong cả các điều kiện khó như ngược sáng, chênh sáng mạnh.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Cảm biến X Trans CMOS thế hệ thứ 5 có trên cả X-T50 và X-T5

Năng lực xử lý của cả hai máy cũng rất “ngang cơ” khi đều sở hữu bộ xử lý X-Processor thế hệ thứ 5, mang đến các công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ lấy nét và cân bằng trắng cũng như định dạng ảnh nén hiệu quả cao HEIF mới và giảm thiểu năng lượng tiêu thụ trong quá trình vận hành.

Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Chất lượng chụp ảnh tĩnh

Do sở hữu chung cảm biến và bộ xử lý nên chất lượng hình ảnh từ hai chiếc máy không có quá nhiều sự khác biệt. Khi kết hợp với các ống kính XF, hình ảnh cho ra sắc nét với độ nổi khối rõ rệt. Độ tương phản và cảm giác “3-D” khiến cho ảnh có xu hướng “trầm” và cuốn hút như những bức ảnh film cổ điển. Nhờ độ phân giải 40MP vượt trội so với các máy ảnh mirrorless sử dụng cảm biến APS-C đối thủ, chi tiết được tái tạo trung thực và sống động. Người dùng có nhu cầu crop ảnh sâu chắc chắn sẽ không phải thất vọng khi lựa chọn X-T50 và X-T5.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Chất lượng ảnh tĩnh của X-T50 và X-T5 tương đồng nhau. Ảnh: Ana Markovych

Cả hai máy đều sở hữu mức ISO cơ sở 125, cho hình ảnh sạch sẽ ở điều kiện ánh sáng thuận lợi. Lên đến các mức ISO cao như 2000-3200, ảnh chụp vẫn có độ chi tiết và màu sắc được bảo toàn tốt. Ở mức ISO 12800 tối đa, nhiễu xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn đủ dùng cho các nhu cầu cơ bản. Người dùng có tuỳ chọn ISO mở rộng đến 64 và 51200 khi chụp ảnh JPEG.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
X-T5 tái tạo màu sắc và chi tiết tốt cả trong điều kiện thiếu sáng. Ảnh: Derrick Ong
Fujifilm X-T50 vs X-T5
Khả năng xử lý nhiễu ở các mức ISO cao của hai máy là rất ấn tượng. Ảnh: Piero Percoco

Chất lượng ảnh JPEG

Nếu là một người yêu thích chụp ảnh “ăn liền” với định dạng JPEG, có lẽ bạn sẽ quan tâm đến các giả lập màu đã được nhà Fuji dày công nghiên cứu cho những thế hệ máy ảnh của mình. Trên X-T5, người dùng có 19 tùy chọn: PROVIA/Standard, Velvia/Vivid, ASTIA/Soft, Classic Chrome, PRO Neg.Hi, PRO Neg.Std, Classic Neg, Nostalgic Neg, ETERNA/Cinema, ETERNA BLEACH BYPASS, ACROS (+Ye/R/G Filter), Black & White (+Ye/R/G Filter).

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Các giả lập màu film đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng nhiếp ảnh toàn cầu

Các giả lập này được phát triển dựa trên 85 năm kinh nghiệm sản xuất film màu của Fujifilm, mang đến cho những bức ảnh một vẻ ngoài có phần cổ điển với độ bão hoà, cảm giác mềm mại hoặc gai góc được tinh chỉnh kỹ càng, cách phối màu hài hoà và vùng sáng/tối có thiên hướng ngả về các tông màu một cách tinh tế so với các hình ảnh JPEG “trung tính” hay nặng về hiệu ứng quá đà đến từ một số hãng máy ảnh khác.

Còn với X-T50, người dùng có thêm một sự lựa chọn mới mang tên Reala Ace. Giả lập màu này, vốn đã xuất hiện trên mẫu GFX 100 II và X100VI từ trước, hứa hẹn sẽ sớm được cung cấp cho người dùng X-T5 thông qua bản cập nhật firmware sắp tới.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Giả lập Reala Ace mới trên X-T50 và X100VI. Ảnh: Lili Liu

Chất lượng video

Về cơ bản, chất lượng video từ hai máy là như nhau. Người dùng có thể ghi hình ở độ phân giải lên đến 6.2K với mức crop áp dụng 1.23x. X-T50 và X-T5 đều cho phép quay phim DCI 4K 60fps với chất lượng 10 bit 4:2:2 ngay trên máy. Ngoài ra, những nhà làm phim yêu thích các thước phim slow motion sáng tạo sẽ tận dụng được khả năng quay 240 khung hình/giây ở độ phân giải Full HD của hai máy.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
X-T50 và X-T5 đều hỗ trợ profile F-Log2 và định dạng RAW để lưu giữ tối đa thông tin trong khung hình

Cho các nhu cầu hậu kỳ, chỉnh màu nâng cao, hai mẫu máy đều cho phép sử dụng profile F-Log2 mới, cung cấp dải nhạy sáng 14 stop để lưu giữ tối đa các chi tiết, màu sắc trong khung hình. Đặc biệt, khi kết hợp với đầu ra video HDMI tương thích đến từ Blackmagic hoặc Atomos, cả X-T50 và X-T5 đều hỗ trợ ghi hình ở định dạng thô Prores RAW hoặc Blackmagic RAW 12-bit. Nhờ đó, người dùng có thể thỏa sức nâng tầm các thước phim của mình khi biên tập.

Tính năng ổn định hình ảnh

X-T50 là mẫu máy dòng X-T “2 số” đầu tiên của Fujifilm sở hữu khả năng chống rung trong thân máy (In-Body Image Stabilization). Hệ thống ổn định hình ảnh 5 trục được hứa hẹn có thể bù trừ tối đa 7 stop khi chụp ảnh handheld, cho những bức ảnh sắc nét ở tốc độ màn trập thấp đến hơn 1 giây trong thực tế.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
IBIS cho phép chụp ảnh ngay trên tay ở tốc độ màn trập thấp mà vẫn sắc nét. Ảnh: Rachel Claire

Là một model flagship, chiếc X-T5 cũng được trang bị IBIS và người dùng hoàn toàn có thể mong đợi hiệu năng chống rung tương tự từ mẫu máy này. Khi quay video, IBIS của hai máy có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu handheld, nhưng vẫn có độ rung nhất định và người dùng được khuyến cáo sử dụng gimbal để có hình ảnh mượt mà hơn.

Tính năng lấy nét tự động

Hệ thống lấy nét cũng là một điểm tương đồng khác trên hai mẫu máy đến từ Fujifilm. Cụ thể, hệ thống lấy nét lai kết hợp giữa lấy nét theo pha và phát hiện tương phản cho phép lựa chọn 425 điểm lấy nét trong chế độ Single AF. Người dùng hoàn toàn có thể thay đổi khung lưới thành 117 điểm với kích thước các điểm tùy chỉnh. Bên cạnh Single AF, chế độ Zone AF cho phép lựa chọn các vùng lấy nét với kích thước 3×3, 5×5 hoặc 7×7 cũng như tuỳ chọn Wide/Tracking AF.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Tính năng lấy nét tự động và nhận diện đối tượng của hai máy hoạt động ổn định cả trong điều kiện thiếu sáng

Bộ xử lý X Processor 5 trên X-T50 vs X-T5 được tích hợp các cụm xử lý AI mang đến khả năng nhận diện thông minh các loại chủ thể như người, động vật, chim, xe cộ, tàu hoả và máy bay. Theo thời gian, mô hình học sâu sẽ ngày càng nâng cao độ chính xác và tốc độ bắt nét, theo dõi chủ thể.

Điểm khác biệt giữa Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Thân máy

Kích thước, trọng lượng

Chiếc “X-T5 thu nhỏ” – Fujifilm X-T50 có trọng lượng 438g khi lắp pin và thẻ nhớ. Con số của X-T5 nặng hơn đáng kể với 557g. Dù chênh lệch đến hơn 100g, trọng lượng của cả hai máy vẫn là tương đối nhẹ nhàng, nhất là khi so với các máy ảnh sử dụng cảm biến full-frame. Người dùng có thể thoải mái mang X-T50 vs X-T5 theo bên mình khi đi du lịch hoặc dạo phố cũng như làm việc trong thời gian dài mà không mệt mỏi.

Kích thước của X-T50 vô cùng nhỏ gọn với các số đo chiều dài, cao, dày là 124 x 84 x 49mm, còn X-T5 lớn hơn một chút với 130 x 91 x 64mm. Với báng cầm sâu, người dùng thông thường sẽ dễ dàng cầm nắm hai chiếc máy này trong thời gian dài sử dụng. Những người có bàn tay lớn có lẽ sẽ cần thêm grip hỗ trợ để có trải nghiệm sử dụng vừa vặn hơn.

Bên cạnh đó, chiếc X-T50 có thiết kế thân máy với các góc được bo tròn hơn so với X-T5, cho cảm giác sử dụng rất êm ái, nhưng có phần hơi trơn trượt trong thời gian dài và khi bàn tay ra mồ hôi, đây cũng điểm cần lưu ý khi trải nghiệm sản phẩm bởi nó có thể phù hợp hoặc không với bàn tay và thói quen cầm máy của từng người dùng.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
So sánh trọng lượng và kích thước của X-T50 và X-T5

Hệ thống điều khiển – Vòng xoay giả lập film

Nếu thoạt nhìn bên ngoài hai chiếc máy vô cùng giống nhau, thì khi đi sâu một chút vào hệ thống điều khiển trên thân máy, sự khác biệt bắt đầu lộ rõ. Trong khi X-T5 sử dụng cách bố trí nút bấm và vòng xoay “truyền thống” của nhà Fuji với các vòng xoay ISO, tốc độ màn trập và bù trừ sáng, thì X-T50 cũng có hệ thống 3 vòng xoay trên lưng, nhưng đã thay thế vòng xoay ISO bằng vòng chỉnh chế độ giả lập màu mới. Sự thay đổi này có lẽ để đón đầu làn sóng những người dùng tìm đến Fujifilm bởi các “preset”, “công thức màu” trên máy đang gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Hệ thống điều khiển “3 vòng” truyền thống của Fujifilm trên X-T5

Việc lựa chọn nhanh giữa 9 giả lập màu có sẵn và 3 tuỳ chọn do người dùng thiết lập có lẽ sẽ thu hút nhiều người khám phá “chất màu Fuji” hơn. Thay đổi này trên X-T50 cũng cho thấy sự chú trọng của tên tuổi đến từ Nhật Bản vào trải nghiệm “chụp ảnh SOOC” (ảnh trực tiếp từ máy, không chỉnh sửa) với mong muốn biến những công thức màu JPEG thành một tính năng độc đáo để người dùng mới lựa chọn máy ảnh Fujifilm. Tuy vậy, những tay máy đã quen với sự tiện dụng của việc điều chỉnh thông số nhanh chóng có lẽ sẽ cảm thấy đây là một bước “cải lùi” đáng tiếc.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Vòng xoay giả lập màu film mới trên X-T50

Màn hình và kính ngắm

Màn hình trên hai mẫu máy có sự khác biệt đáng kể về cơ chế xoay lật. Ở X-T5, màn hình có thể xoay lật theo 3 chiều linh hoạt – thiết kế dành cho các tác vụ lấy nét khi chụp ảnh tĩnh ở các góc độ khác nhau. Còn X-T50 chỉ có bản lề xoay lật 2 hướng theo chiều ngang, phù hợp với các nhà làm phim. Chất lượng hiển thị của màn hình X-T50 vs X-T5 là hoàn toàn tương đồng khi đều sở hữu độ phân giải 1.84 triệu điểm ảnh, cao nhất trên các mẫu máy Fujifilm cho đến thời điểm hiện tại. Sử dụng công nghệ tấm nền LCD, màn hình cho độ sắc nét và chi tiết tốt, tái tạo màu sắc tươi tắn và sống động.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Màn hình của X-T5 có thể xoay lật theo 3 chiều linh hoạt trong khi X-T50 chỉ cho phép xoay theo 2 chiều

Trong các điều kiện ánh sáng gay gắt, kính ngắm sẽ là lựa chọn của các nhiếp ảnh gia để quan sát bố cục, màu sắc và độ nét của hình ảnh. Với những người đã quen với việc sử dụng EVF, X-T5 sẽ là lựa chọn cho trải nghiệm “đã mắt” hơn, với độ phân giải 3.8 triệu điểm ảnh và độ phóng đại 0.8x. X-T50 chỉ có EVF 2.36 triệu điểm ảnh với độ phóng đại 0.62x.

Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Khả năng kết nối và lưu trữ

Về mặt kết nối, hai chiếc máy đều có đủ các tùy chọn cổng vào/ra đáp ứng các nhu cầu truyền dữ liệu tốc độ cao của người dùng chuyên nghiệp. Cụ thể, X-T5 và X-T50 đều sở hữu cổng USB-C (cho phép sạc), jack micro 3.5mm, đầu ra 2.5mm và HDMI. Ngàm trên thân máy cho phép sử dụng đèn flash và các phụ kiện hỗ trợ chụp ảnh khác.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Hai máy đều có đủ các cổng kết nối USB-C, 2.5mm và 3.5mm cơ bản

Hướng đến người dùng chuyên nghiệp, chiếc X-T5 có 2 khe thẻ nhớ SD, cho phép người dùng chụp ảnh và sao lưu ở 2 định dạng khác nhau. Có phần “khiêm tốn” hơn, X-T50 chỉ bao gồm 1 khe thẻ SD. Vị trí gắn thẻ nhớ cũng cho thấy sự khác biệt khi X-T5 có khay thẻ kép đặt riêng bên thân máy thay vì xếp chung cùng khay pin như trên X-T50. Với các nhu cầu sáng tạo video và ảnh thông thường, hai chiếc máy đều có thể đáp ứng tốt khi hỗ trợ tốc độ đọc ghi đạt chuẩn UHS-II.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Fujifilm X-T5 có hai khe thẻ nhớ SD bên thân máy

Chống chịu thời tiết

Đây là một điểm yếu “chí mạng” của chiếc X-T50 khi thân máy không được bảo vệ trước các điều kiện thời tiết có mưa, bụi và tuyết cũng như nhiệt độ dưới 0 độ C. Những người dùng khắt khe đòi hỏi khả năng làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt như vậy sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn mẫu X-T5. Thân máy của người đàn anh dòng X-T này sở hữu 56 điểm gia cố, cho phép máy chống chịu được độ ẩm cũng như cát, bụi, nước bắn và nhiệt độ thấp tới -10 độ C.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
X-T5 được trang bị khả năng chống chịu thời tiết, thứ thiếu vắng trên chiếc X-T50

Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Chụp ảnh và quay video

Màn trập

Tốc độ màn trập tối đa trên hai máy khi sử dụng màn trập điện tử là 1/180,000s, cho phép bắt kịp những hành động nhanh “chóng mặt” như thể thao, đua xe hay lướt sóng hoặc hỗ trợ những bối cảnh ban ngày cần mở khẩu độ lớn để tạo hiệu ứng xoá phông. Tuy nhiên, màn trập điện tử với cơ chế rolling shutter truyền thống vẫn có những hạn chế khi gây biến dạng các đối tượng chuyển động theo chiều ngang. Một giải pháp để khắc phục hiện tượng này là sử dụng màn trập cơ. Ở đây, X-T5 lại chiếm ưu thế với tốc độ màn trập tối đa hỗ trợ lên đến 1/8000s so với chỉ 1/4000s của X-T50.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Màn trập điện từ có tốc độ lên đến 1/180,000s cho phép X-T50 vs X-T5 bắt kịp những khoảnh khắc. Ảnh: Yuting Sun

Pixel Shift Multi-Shot

Pixel Shift Multi-Shot lần đầu xuất hiện trên các máy ảnh medium format GFX và tiếp tục được ứng dụng trên X-T5 vào năm 2023. Đây là tính năng tận dụng cơ chế dịch chuyển cảm biến của hệ thống IBIS để chụp và ghép lại nhiều tấm ảnh khác nhau, cho thành phẩm có độ phân giải cao đến 160 MP. Hình ảnh cuối cùng sẽ được kết xuất thành một file DNG RAW tương thích với hầu hết các phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ biến. Dù được thừa hưởng cảm biến và bộ xử lý cũng như hệ thống IBIS tương tự nhưng X-T50 không có được khả năng này như người đàn anh của mình.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Pixel Shift Multi Shot cho những bức ảnh có độ phân giải khổng lồ và chi tiết choáng ngợp

So sánh Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Khả năng chụp liên tiếp

Khi sử dụng màn trập điện tử, hai máy ảnh đều đạt tốc độ tối đa 20 fps với mức crop x1.29. Chuyển sang màn trập cơ, sự vượt trội của X-T5 tiếp tục được thể hiện khi cho phép chụp liên tục 15 khung hình/giây trong khi X-T50 chỉ có thể chụp đc 5 khung hình trong cùng khoảng thời gian. Bù lại, nhờ tốc độ chụp “từ tốn” hơn, bộ nhớ đệm của X-T50 có thể cầm cự được tối đa hơn 1000 ảnh JPEG/RAW nén so với chỉ 119 khung hình của X-T5. 

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Khả năng chụp liên tục bằng màn trập cơ của X-T5 vượt trội hơn

Thời lượng pin và quay phim

Sử dụng viên pin NP-W235 lớn hơn, X-T5 có thể chụp được 740 ảnh trong chế độ tiết kiệm. Với viên pin NP-W126S cũ, X-T50 chỉ dừng lại ở 390 ảnh ở cùng trạng thái hoạt động.

Về quay phim, cả hai máy đều không có giới hạn về phần mềm đối với thời lượng video tối đa. Tuy nhiên, với thiết kế tối ưu cho chụp ảnh và kích thước không quá rộng rãi để có giải pháp làm mát tối ưu bên trong thân máy, thời lượng sử dụng thực tế của X-T50 vs X-T5 đều chưa so sánh được với mẫu máy hybrid đầu bảng Fujifilm X-H2X-H2s.

Fujifilm X-T50 vs X-T5
Thời lượng quay của hai máy bị giới hạn bởi khả năng tản nhiệt

Cụ thể, X-T5 có thể quay đến 60 phút liên tục ở độ phân giải 4K 60fps trước khi máy trở nên nóng và các thao tác trên màn hình bị chậm đến mức không thể sử dụng được. Với độ phân giải 6.2K, thời lượng quay còn rút ngắn xuống khoảng 25 phút và người dùng sẽ cần đến giải pháp tản nhiệt bên ngoài nếu muốn có hiệu năng tốt nhất.

Về phía X-T50, ở độ phân giải 4K, máy nóng lên khá nhanh và chỉ trong 20 phút đã gặp phải hiện tượng quá nhiệt, các thao tác trên màn hình bị lag và phải chờ máy hạ nhiệt mới có thể tiếp tục sử dụng. Vấn đề tản nhiệt là một hạn chế ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm của người dùng, rất mong Fujifilm có thể khắc phục bằng các giải pháp phần mềm hoặc phần cứng trong thời gian sắp tới.

So sánh Fujifilm X-T50 vs X-T5 – Mức giá

Hướng đến các đối tượng người dùng khác nhau, máy ảnh tầm trung X-T50 có mức giá cho các phiên bản dao động từ khoảng 35 triệu đồng đến 45.5 triệu đồng. Trái lại, chiếc flagship X-T5 có mức giá từ 42.5 triệu đồng đến 52.2 triệu đồng tại các nhà phân phối chính hãng như Tokyo Camera.

X-T50 Body (Silver/Black/Charcoal Silver) X-T5 Body (Silver/Black)
34,990,000 đ 42,490,000 đ
X-T50 + XC 15 – 45mm X-T5 + XF 18 – 55mm
37,990,000 đ 50,490,000 đ
X-T50 + XF 16 – 50mm X-T5 + XF 16 – 80mm
45,490,000 đ 52,490,000 đ

Tổng kết

Có thể thấy, nếu bạn là người dùng mới, bán chuyên, yêu thích sự nhỏ gọn, tiện lợi, chất màu Fuji “chụp phát ăn ngay” thì X-T50 sẽ là lựa chọn hợp lý với mức giá dễ chịu hơn rất nhiều mà hiệu suất và chất lượng hình ảnh không hề kém cạnh so với những người đàn anh. Còn nếu bạn đã là một tín đồ Fujifilm cứng cựa hoặc kinh tế không phải là vấn đề thì chắc chắn chiếc X-T5 sẽ mang đến cảm xúc trọn vẹn nhất với kích thước và trọng lượng đầm tay, cho trải nghiệm chụp hoài cổ và “cơ khí” đầy mạnh mẽ.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có được cái nhìn chi tiết về hai mẫu máy Fujifilm X-T50 vs X-T5 để đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình. Nếu đang tìm kiếm máy ảnh Fujifilm, bạn hãy liên hệ với Tokyo Camera để có mức giá ưu đãi nhất nhé.

Content Protection by DMCA.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook (8h-23h)
Chat Zalo (8h-23h)
Hotline Tư Vấn (8h-21h)