Những ngày Tết thường có thời tiết đẹp, con đường góc phố đẹp hơn, muôn hoa đua nở, mọi người đi chơi du lịch, dã ngoại đó đây, và vô số khoảnh khắc sinh hoạt hiếm có tại gia đình. Đây là thời điểm rất tốt để các bạn mới luyện khả năng chụp ảnh của mình. Đề tài chụp thì bao la đa dạng để chụp, từ cảnh chuẩn bị Tết, không khí gia đình, chân dung bạn bè người thân, đến cận cảnh hoa kiểng các loại… ; không gian trải rộng mọi nơi, không chỉ là một lễ hội đặc thù địa phương nhỏ hẹp nên tha hồ chụp; thời gian thì trải dài từ trước Tết trong những ngày này kéo dài đến sau Tết ít cũng 2 tuần, ai cũng có thể sắp xếp chụp được cái mình thích trong vô số chủ đề đó. Vậy anh em sẽ chụp gì? Và chụp thế nào?
Mình chỉ xin chia sẻ một vài gợi ý chung:
A. Hoa xuân & Tĩnh vật
Tết chụp hoa là chủ đề thông dụng nhất. Chụp hoa trong nhà, ngoài chợ và thậm chí đến tận vườn hoa người ta trồng để chụp.
Macro / Close-up là chủ đề nhiều bạn thích chụp. Là chụp gần hoặc rất gần một bông hoa, một cảnh hoa, nhuỵ hoa… Bạn sẽ cần:
- Máy ảnh có ống kính Macro: Thường thì khi dí sát, bạn có Dof (trường ảnh) rất mỏng, nên khép khẩu từ F/9 – F/16 tuỳ cơ ứng biến để có Dof dày đầy hơn. Khi chụp thể loại này, máy chụp chế độ A hoặc M, ISO dĩ nhiên là thấp nhất có thể (100 – 400), đo sáng điểm và cầm chắc tay hoặc nên có chân máy.
- Điện thoại kẹp thêm ống kính macro: Kính kẹp loại macro cho điện thoại thực chất chỉ là cái thấu kính phân kỳ, phóng đại vật thể, nên chỉ nét đúng tại một khoảng cách và hạn chế lớn nhất là vì dí sát với giới hạn vật lý của cụm camera điện thoại, nên dof rất mỏng. Nhưng nếu khéo léo, bạn cũng sẽ có những bức ảnh rất đẹp. Có bạn chụp cắt nhiều lớp và ghép chồng như quá phức tạp.
B. Cảnh hoa, chợ hoa xuân
Phố xá chợ hoa rất nhiều. Chụp cảnh hoa xuân thì đơn giản về thiết bị hơn Macro trên kia. Nhưng đòi hỏi bạn nhiều hơn về chọn khoảnh khắc, góc chụp, ánh sáng…
- Máy ảnh: Chỉ cần ống kính có tiêu cự từ 35mm – 85mm là bạn có thể chụp đặc tả rất nhiều góc hoa. Chụp chế độ A, ưu tiên khẩu để có dof vừa ý. Hoặc nếu chụp hoa cố định, có nhiều thời gian để chọn góc tốt, cũng có thể chụp chế độ M để làm chủ nhiều hơn các thông số với ý đồ khác.
- Điện thoại: Đừng đứng từ xa zoom lại, công nghệ zoom điện thoại là cắt xén bớt ảnh, giảm chất lượng rất nhiều. Hãy tiến lại gần, đủ để có khung ảnh vừa ý muốn. Vì điện thoại có ống kính đa số là góc rộng, nên bố cục có chủ đề chính phụ xa gần trong ảnh là điều cần chú ý để có ảnh hài hoà.
C. Đường phố ngày xuân
Không cần nói, bạn chỉ cần cầm máy ra ngoài phố, ngày gần Tết có rất nhiều trang hoàng vui nhộn, các hoạt động và mua bán nhộn nhịp. Ở các thành phố lớn thì thường tập trung ở các con đường hoa, phố ông đồ, chợ tết…
- Hà Nội, mình có lần đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ cách riêng là Hàng Mã, và chạy lên Vườn Hoa Nhật Tân. Vườn Đào Nhật Tân vào sâu bên trong có nguyên cả vườn Đào rộng lớn, là nơi khách ghé chọn cây, ngả giá mua hàng… Dọc bên Đê cũng rất nhiều cảnh đường phố ngày xuân.
- Sài Gòn có Phố ông đồ hàng năm đều có ở đường Phạm Ngọc Thạch trước Nhà VHTN, nhà thi đấu Nguyễn Du hay cung VH Lao động ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bạn cũng có thể đi chợ hoa ở Phú Mỹ Hưng, và nhất là anh em rất thích cảnh thuyền hoa ở Bến Bình Đông.
- Các tỉnh thành khác xin anh em bổ sung cho mọi người được biết.
Chụp đường phố xuân thế nào?
- Máy ảnh: Theo cá nhân mình, với các bạn mới thì nên dùng cái ống Kit như 18-55mm của các hãng bán theo máy. Chụp một thời gian quen với cách vận hành thiết bị, kỹ thuật cơ bản, làm chủ máy ảnh… thì sắm một ống kính tiêu cự từ 24mm – 50mm, nhưng hiệu quả nhất là 35mm (trên fullframe) nếu thích chụp ảnh đường phố. Với ống 35mm (FF), bạn sẽ phải tiến gần chủ đề hơn, cảm nhận nhiều hơn cái mình chụp, ghi được khoảnh khắc đắt hơn, và khi zoom bằng chân sẽ giúp bạn tư duy nhiều hơn với một lần bấm máy.
- Điện thoại: Điện thoại có cái thuận tiện là ít khi bị để ý, chụp dễ dàng cảnh đường phố hơn, nhưng phải xem cái điện thoại lấy nét tự động nhanh hay chậm, thời gian cần để nó lấy nét có chậm không. Bởi có khi đưa máy lên bấm nhanh, máy không kịp lấy nét, ảnh mờ nhoè. Biết rõ ưu / nhược của cái máy mình đang sở hữu để khắc chế phù hợp khi chụp đường phố
D. Chụp mẫu với cảnh xuân
Mẫu trong cảnh có thể là mẫu nữ (mình thấy đa số bạn thích), có thể là người thân, con cái trẻ em, và cả ông bà cha mẹ… hiện diện trong không khí cảnh mùa xuân nơi mình sinh sống.
- Máy ảnh: Chụp người trong cảnh thì không cần phải là ống kính có tiêu cự 85mm – 135mm hai dài hơn với khẩu độ lớn để xoá hậu cảnh (phông nền) mù mịt. Bởi vì nếu xoá phông mù mịt (teen xoá phông) bạn không cần ra phố hay chờ ngày xuân ngày Tết. Mình nghĩ nên đặt chủ thể (con người) vào một khung cảnh nào đó mà khi người xem họ nhận ra cảnh xuân. Bạn cũng có thể mở khẩu phù hợp sao cho hậu cảnh có chút mờ nhoè, nhưng không nên mù mịt không còn nhận ra cảnh. Nếu chụp ban đêm thì nên có flash, có thể dùng chế độ slow-sync nhá sáng kép để không bị chói mặt người và có hậu cảnh vừa đủ thấy được.
- Điện thoại: Camera điện thoại chụp nét từ gần đến xa với cảnh rộng, nên việc chọn khung cảnh với bố cục, các vật thể xuất hiện trong khung là quan trọng nhất. Bạn cố gắng chọn góc chụp sao vừa đủ sạch (ít bị dính những đối tượng không ưng ý có trong khung hình) lại vừa đủ cảnh (cái gì có trong khung để đủ nhận ra cảnh xuân).
E. Gia đình ngày Tết
Gia đình là nơi nên chụp nhiều nhất và chăm chút từng khung hình tốt nhất. Khối người sáng tác vô số ảnh ngoài đường, vô số mẫu tuyệt vời, vô số cảnh hay khoảnh khắc có một không hai… nhưng một tấm ảnh đàng hoàng cho người thân, cho ông bà cha mẹ con cái anh chị em thì không có. Ngày Tết là cơ hội để những người thích chụp ảnh khoe ảnh đẹp chụp cho gia đình mình.
- Trước Tết nhà nào cũng có những cảnh chuẩn bị: trang hoàng, chậu hoa, nấu bánh, sắm sửa, nấu ăn…
- Trong Tết, nhà nào cũng có cảnh chúc Tết, lì xì, thăm viếng, lễ Chùa hay lễ nhà thờ. Bên Đạo Công Giáo thì đêm 30 cả nhà đi lễ tạ ơn năm qua, mồng một lễ dâng lễ đầu năm, mồng hai kính nhớ ông bà tổ tiên, mồng ba thánh hoá công ăn việc làm… Các tôn giáo đều được thể hiện ngay trong sinh hoạt gia đình, những nếp văn hoá còn sót lại trong thời đại vong thân quá nhiều. Những hình ảnh ghi lại rất đáng.
- Máy ảnh: Vì ảnh chủ yếu là các sinh hoạt, có con người nhiều hoặc ít, không gian gia đình, nên cần ống kính góc đủ rộng. Khoảng từ 24mm – 35mm. Máy ảnh để sẵn chế độ S làm chủ tốc độ đủ nhanh để không mờ nhoè các hoạt động tay chân… 1/125s. Hoặc bạn có thể chụp chế độ A, để ISO auto, khoá tốc độ chậm nhất là 1/125 trong menu tức là tốc độ tự động nhưng xuống thấp nhất là 1/125s. Khi đó bạn làm chủ khẩu độ, ISO và tốc độ màn trập tự chạy theo tính toán đo sáng của máy. Nên chụp ảnh định dạng file RAW, để có thể cứu những khoảnh khắc không bao giờ lập lại.
- Điện thoại: Chụp trong nhà hoặc góc thiếu sáng ảnh sẽ bị nhiễu hạt, hoặc mờ nhoè. Điện thoại có giới hạn trong hoàn cảnh ánh sáng khó với đa số loại, nên bạn chịu khó chọn không gian đủ sáng, góc chụp thuận sáng (ánh sáng ở phía sau lưng người chụp chiếu vào đối tượng được chụp). Ai khi xem ảnh cũng muốn mặt mình sáng sủa dễ nhìn cả. Tránh sáng tác nghệ thuật, chụp ngược sáng, thiếu sáng, tương phản gay gắt khi chụp người thân sinh hoạt trong gia đình, những ý đồ nghệ thuật đó sẽ vô giá trị với họ khi xem ảnh.
F. Du lịch ngày xuân
Nhiếp ảnh du lịch cũng là một đề tài người ta hay nói, nếu du lịch trong ngày xuân nữa thì lại càng nhiều màu sắc để bàn hơn. Nhưng, nếu có thể, bạn nên để máy ảnh ở nhà khi đi du lịch. Người chụp ảnh dễ bị cuốn hút tâm trí vào việc sáng tác ảnh, bận tâm gần hết thời gian cho nó, và không còn chỗ cho sự hưởng thụ một chuyến đi. Nếu đó là chuyến đi với người thân, gia đình thì càng tệ hại. Vì vậy, nếu bạn mang máy ảnh đi, hãy cố gắng hy sinh sở thích cá nhân, nó phục vụ cho việc ghi lại, bắt dính lại những khoảnh khắc vui của người thân. Nếu không, cái điện thoại sẽ thay thế và làm tốt nhiệm vụ hơn.
- Máy ảnh: Đối tượng là chụp cảnh vật nơi ta đến, lưu lại khoảnh khắc ta được hưởng thụ, hoặc là những người thân của ta vui chơi sinh hoạt trong không gian đó. Nên, ống kính có thể là ống zoom đa tiêu cự, chẳng hạn 17 – 35mm hay 17-50mm hay ống 18-200mm; cũng có người chỉ cần một ống fixed 24mm hoặc 35mm là đủ cho họ trong chuyến du lịch.
- Điện thoại: Có lẽ điện thoại rất hữu dụng với đề tài này, chụp nhanh, dễ dàng và chia sẻ trong suốt chuyến đi cho những người thân thuộc của mình.
Lưu trữ ảnh trong một chuyến đi:
Bạn sẽ phải sắm rất nhiều thẻ nhớ khi chụp bằng máy ảnh, nhưng rủi ro là dễ lạc mất thẻ, hoặc ẩm ướt hư hỏng, nên bạn cần import ảnh vào máy tính mang theo, ổ cứng di động, iPad hay iPhone qua các dây cable chuyển từ SD/CF--> iOS / Android … Rồi up ảnh lên kho lưu trữ trên mây (Flikr, GG Drive, One Drive…)
G. Hậu kỳ ảnh trước khi chia sẻ:
Ai dùng máy ảnh chụp, nên làm quen với việc sử dụng phần mềm Lightroom. Import hình vào đó, và chỉnh sửa nhanh chóng trước khi sử dụng:
- Chọn hình có góc chụp, ánh sáng tốt nhất trong một lô hinh chụp cùng cảnh
- Crop / cắt bớt những phần dư thừa
- Tăng giảm độ sáng cho ảnh
- Chọn lại White Balance cho đúng màu
- Tăng giảm một chút độ sắc nét và màu sắc
- Tuỳ theo thể loại ảnh mà bạn sẽ phải cân chỉnh sao cho phù hợp, nhưng cá nhân mình vẫn thích bức ảnh nhẹ nhàng, bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hoà… không nên quá gắt, rực rỡ đến chói chang…
Với điện thoại, lưu ý các điểm cơ bản:
- Đo sáng là quan trọng nhất. Hãy chạm vào màn hình để máy đo sáng và lấy nét. Nếu thấy ảnh tối, chạm vào chỗ tối trong khung để đo lại, hoặc +-EV (nếu có). Đừng giơ lên bấm chụp luôn!
- Bố cục khung hình hài hoà, các thành phần xuất hiện trong khung hình đều có sự liên kết với nhau, bạn sẽ có bức ảnh tốt hơn và ý nghĩa hơn. Hãy nhìn xung quanh cái mà bạn định chụp rồi bố cục khung hình, không hài lòng thì di chuyển chọn góc tốt hơn. Đừng giơ máy lên chụp đại!
- Hãy tiến lại gần đối tượng chụp chứ đừng đứng ở xa zoom, bởi vì với điện thoại khi bạn zoom nghĩa là nó cắt bớt khung hình còn nhỏ lại, chất lượng giảm đi rất nhiều. Hãy tiến lại gần!
- Hãy thử chụp hơn 10 tấm ảnh với hơn 10 góc khác nhau 1 đối tượng nào đó. Sau đó bạn chọn 1 góc nhìn ưng ý nhất. Bạn sẽ quen và nhìn thấy thế giới khác hẳn và có thói quen chọn góc tốt hơn. Đừng đứng đâu giơ máy lên chụp tại đó!
- Khai thác và làm chủ các chức năng mà máy cho phép. Rất nhiều điện thoại có những công cụ chụp rất tốt, bạn đã trả tiền rất nhiều cho chúng, hãy khai thác. Đừng biện minh bằng những câu “Ồ, chụp cho vui mà!” hay “Ồ, chụp điện thoại mà, vui thôi!”
- Luôn sẵn sàng bấm chụp, không phải sẵn sàng lôi máy ra với nhiều thao tác khởi động nguồn, camera… bạn sẽ không có được những khoảnh khắc đẹp. Luôn sẵn sàng bấm chụp!
- Bạn phải luôn trả lời được các câu hỏi bạn muốn chụp cái gì? Chụp ở đâu và lúc nào thì tốt nhất với “cái gì” đó? Rồi có thể tìm hiểu kỹ thuật để chụp nó như thế nào để đạt được ý đồ của bạn? Trừ phi bạn không muốn tiến bộ hơn trong chụp ảnh thì không cần hỏi gì.
- Chọn một hoặc hai ứng dụng chỉnh sửa ảnh phù hợp với bạn để chỉnh sửa tấm hình cho chỉnh chu hơn. Một bức ảnh được chụp nghiêm túc thì nó được hoàn tất sau khi bạn làm cho nó chỉnh chu hoàn hảo hơn. Chả ai cần xem một tấm ảnh bạn bảo là “ảnh gốc” mà nó còn nhiều rác hay khuyết điểm mà nó có thể được hậu kỳ. Trừ phi bạn là nhà báo và ảnh cung cấp cho toà báo. Hãy trân trọng từng tác phẩm của mình!
- Trước khi chụp: hãy lau sạch ống kính camera vì trên đó luôn đầy dấu vân tay, bụi bẩn… giảm chất lượng ảnh rất nhiều. Khi chụp, cầm thật chắc tay, để không bị rung lắc gây mờ nhoè ảnh. Sau khi chụp, cắt cúp chỉnh sửa nếu cần trươc khi chia sẻ lên mạng xã hội.
- Đọc bài kiến thức, học hỏi kỹ thuật, xem ảnh của những thợ ảnh để trau dồi thêm.
Một số ảnh xem thêm:
Nguồn: tinhte.vn