Trên thị trường hiện nay, mỗi hãng đều cho ra nhiều hệ thống máy ảnh và ống kính riêng biệt, khiến người dùng không khỏi “đau đầu”. Qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn tổng hợp về các loại ngàm máy ảnh thông dụng để có lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
Tổng hợp các ngàm máy ảnh – Giới thiệu chung
Ngàm là gì?
Ngàm là tên gọi của bộ phận nằm giữa ống kính và máy ảnh, có vai trò kết nối 2 thành phần này với nhau. Mỗi nhà sản xuất đều có một vài chuẩn ngàm riêng, do đó, khi tìm mua ống kính, chúng ta cần chú ý đến khả năng tương thích với hệ thống ngàm cụ thể của máy ảnh.
Khoảng cách buồng tối
Khoảng cách buồng tối (flange focal distance) là khoảng cách từ vị trí tiếp xúc giữa ống kính và thân máy ảnh tới mặt phẳng cảm biến hoặc film. Khoảng cách này luôn cố định đối với từng chuẩn ngàm và ống kính tương ứng của các hãng.
Khoảng cách buồng tối ngắn giúp kích thước của máy ảnh được thu gọn đáng kể, đồng thời cho phép người dùng sử dụng ống kính đến từ các hệ máy có khoảng cách buồng tối lớn hơn thông qua ngàm chuyển.
Đường kính ngàm
Đường kính ngàm là khoảng cách lớn nhất giữa hai điểm bất kỳ trên ngàm ống kính. Con số này giúp người dùng hình dung cụ thể về kích thước của ngàm cũng như ống kính. Trên lý thuyết, kích thước này lớn sẽ giúp nhà sản xuất chế tạo những ống kính có khả năng thu sáng tốt hơn với khẩu độ lớn hơn.
Ngàm chuyển
Ngàm chuyển là thiết bị giúp ống kính sử dụng được trên các máy ảnh khác với hệ thống mà ống kính tương thích theo mặc định. Ví dụ, ngàm chuyển FTZ cho phép sử dụng các ống kính ngàm F của Nikon trên các máy ảnh ngàm Z.
Thực tế, chỉ có thể sản xuất ngàm chuyển cho ống kính của hệ máy có khoảng cách buồng tối lớn hơn sang hệ máy có khoảng cách buồng tối ngắn hơn mà không thể làm ngược lại. Ví dụ, người dùng có thể sử dụng ống kính EF trên máy ảnh RF nhưng không thể lắp ống kính RF lên các máy ảnh DSLR. Một số ngàm chuyển được thiết kế chuyên biệt giúp ống kính hoạt động với đầy đủ chức năng lấy nét tự động và ghi nhận thông tin EXIF, trong khi đó phần lớn ngàm chuyển không truyền tải bất cứ dữ liệu nào.
Tổng hợp các ngàm máy ảnh – Các loại ngàm phổ biến
Qua hàng trăm năm lịch sử của nhiếp ảnh, nhiều chuẩn ngàm đã được phát triển. Hiện nay, các hệ thống vẫn được sản xuất và hỗ trợ có thể kể đến như: Canon EF, RF; Sony A, E; Fujifilm G, X; Nikon F, Z; Leica L, M và M43.
Sony
Ngàm A: được sử dụng trên các máy ảnh gương mờ DSLT của Sony như A99, A77, A55. Hiện dòng máy ảnh DSLT đã không còn được sản xuất từ tháng 8/2011, do đó các ống kính mới của Sony đều không hỗ trợ chuẩn ngàm này.
Ngàm E: chuẩn ngàm mới được phát triển cho dòng máy ảnh mirrorless sử dụng cảm biến full-frame và APS-C của Sony. Chữ “E” viết tắt cho “eighteen”, cho biết khoảng cách buồng tối là 18mm. Các ống kính “nhà trồng” sử dụng chuẩn ngàm này được mang ký hiệu FE. Hiện một số nhà sản xuất thứ 3 như Sigma, Tokina, Viltrox, Zeiss cũng đã ra mắt nhiều lựa chọn ống kính cho ngàm E. Các ống kính ngàm A có thể tương thích thông qua ngàm chuyển LA-EA cho chính Sony cung cấp.
Canon
Ngàm EF (electro focus): chuẩn ngàm cho máy ảnh DSLR full-frame của Canon. Dấu hiệu nhận biết là một chấm tròn đỏ trên chân ngàm. Các ống kính EF thường được biết tới với chất lượng quang học cao với khả năng lấy nét nhanh và chính xác. Hệ sinh thái ngàm EF đã trải rộng và bao phủ hầu hết nhu cầu nhiếp ảnh thông dụng với đa dạng các lựa chọn tiêu cự và khẩu độ cũng như các tính năng macro, tilt-shift.
Ngàm EF-S (electro focus – short): được sử dụng trên máy ảnh DSLR cảm biến APS-C. Ngàm được thiết kế với một chấm tròn đỏ và hình vuông màu trắng trên vòng kim loại. Các ống kính EF-S không thể được sử dụng với ngàm EF.
Ngàm EF-M: được giới thiệu vào năm 2012 dành cho hệ máy mirrorless, cho phép thu gọn kích thước máy ảnh và ống kính đáng kể. Người dùng có thể sử dụng các ống kính EF và EF-M thông qua ngàm chuyển tương ứng.
Ngàm RF: chuẩn ngàm được phát triển mới nhất cho máy ảnh mirrorless Canon. Với đường kính giữ nguyên trong khi giảm một nửa khoảng cách buồng tối so với ngàm EF, các ống kính RF cho hiệu suất quang học và lấy nét được cải thiện vượt trội.
Nikon
Ngàm F: được Nikon phát triển cùng với dòng máy ảnh film Nikon F từ 1959, ngàm F hỗ trợ đầy đủ từ các ống kính film cho đến các ống kính lấy nét tự động của Nikon. Khi sử dụng với ống kính cho cảm biến DX, máy ảnh sẽ tự động kích hoạt chế độ crop để loại bỏ viền tối xung quanh khung hình. Điểm đặc biệt khi gắn các ống kính ngàm F, người dùng cần xoay ngược chiều kim đồng hồ.
Ngàm 1-Mount: chỉ xuất hiện trên một số thân máy dòng J của Nikon và hiện đã bị ngưng phát triển hoàn toàn.
Ngàm Z: được sử dụng trên các dòng Nikon mirrorless mới nhất. Nhờ sở hữu khoảng cách buồng tối chỉ 16mm ngắn nhất trên thị trường hiện tại, ngàm Z có thể hỗ trợ hầu hết các ống kính dành cho chuẩn ngàm khác. Các ống kính ngàm F cũng có thể hoạt động ổn định thông qua ngàm chuyển FTZ độc quyền.
Fujifilm
Ngàm X: xuất hiện trên dòng máy ảnh mirrorless sử dụng cảm biến APS-C của Fujifilm. Các ống kính ngàm X được phân cấp thành 2 dòng XC (sơ cấp) và XF (trung – cao cấp). Hệ thống ngàm X đang “làm mưa làm gió” trên thị trường nhờ kích thước nhỏ gọn nhưng cho màu sắc và độ nét dễ chịu.
Ngàm G: chuẩn ngàm dành cho máy ảnh medium format GFX của Fujifilm. Kích thước ngàm lớn khiến cho các ống kính GF tương đối to, nặng, thường chỉ được các nhiếp ảnh gia thương mại tìm kiếm nhờ chất lượng quang học, chi tiết và độ nổi khối vượt trội so với các đối thủ sử dụng cảm biến full-frame.
Tổng hợp các ngàm máy ảnh – Leica, Panasonic, Sigma
Ngàm L: chuẩn ngàm được Leica, Panasonic, Sigma, DJI và một số nhà sản xuất khác hỗ trợ. Ngàm L đã được đưa vào các dòng máy ảnh SL của Leica, Lumix S của Panasonic, Sigma Fp series cũng như DJI Ronin 4D.
Tổng hợp các ngàm máy ảnh – các hệ thống M43
Ngàm M43: thiết kế ngàm trên các dòng máy ảnh sử dụng cảm biến Micro Four-Thirds đến từ Panasonic và Olympus. Hệ sinh thái ngàm M43 hiện đã có đầy đủ các lựa chọn về tiêu cự và khẩu độ. Đây là lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những nhà làm phim mong muốn hiệu năng làm việc tốt trong một thân hình nhỏ gọn.
Tổng kết
Ngàm | Đường kính ngàm | Khoảng cách buồng tối | Định dạng |
Fujifilm G | 65.0mm | 26.7mm | Medium Format |
Fujifilm X | 43.5mm | 17.7mm | APS-C |
Sony E | 46.1mm | 18.0mm | Full Frame |
Nikon F | 47.0mm | 46.5mm | Full Frame |
Nikon Z | 55.0mm | 16.0mm | Full Frame |
Leica L | 51.0mm | 19.0mm | Full Frame |
Canon EF | 54.0mm | 44.0mm | Full Frame |
Canon EF-M | 46.5mm | 18mm | APS-C |
Canon RF | 54.0mm | 20.0mm | Full Frame |