World Cup 2018 thật sự là một mùa World Cup rất khác biệt, bởi tại đây, lần đầu tiên FIFA quyết định áp dụng công nghệ trợ lý trọng tài VAR cho một giải đấu lớn nhất hành tinh. Và như anh em thấy, kể từ đầu mùa đến nay công nghệ này tạo ra không ít những tình huống tranh cãi.
Điều này không thật sự bất ngờ bởi trong quá trình được thử nghiệm tại các giải đấu khác như cúp FA hay Bundesliga, những vấn đề xung quanh công nghệ VAR vẫn còn rất nhiều.
Mặc dù VAR nhận được sự chú ý rất lớn nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng nó chỉ là minh chứng rõ ràng và điển hình nhất cho cái cách mà bóng đã đang dần được số hoá, khi mà dữ liệu và công nghệ được sử dụng nhằm cải thiện hiệu suất và đưa ra quyết định. Công nghệ thật sự đã thay đổi cuộc chơi, và người ta đang lo rằng sự thay đổi này diễn ra quá nhanh, đến mức hàng tỷ người hâm mộ môn thể thao vua trên toàn cầu không thể bắt kịp.
VAR là gì?
VAR là loại công nghệ được tạo ra nhằm giúp trọng tài đưa ra những quyết định chính xác nhất có thể. Xuyên suốt trận bóng, mọi hành động trên sân cỏ đều được ghi lại bởi hàng chục camera bố trí khắp nơi và đội ngũ kỹ thuật thì luôn sẵn sàng chiếu lại các đoạn video khi cần thiết. Thông qua hệ thống tai nghe không dây, đội trợ lý trong phòng VAR sẽ thông báo cho trọng tài chính và tư vấn cho ông biết bất kỳ tình huống phạm lỗi nào. Có tổng cộng 4 nhiệm vụ mà VAR đảm đương trong quá trình hỗ trợ trọng tài: bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và xác định sai cầu thủ. Sau tất cả, VAR chỉ là đội tư vấn và mọi quyết định đều nằm ở trọng tài.
Lần đầu tiên VAR được giới thiệu cũng như đưa vào thử nghiệm là tại cúp FA 2017. Nó ngay lập tức bị cầu thủ lẫn ban huấn luyện cho là nguyên nhân phá hỏng “cái đẹp” của bóng đá. Cụ thể, trong một trận đấu ở vòng 5 giữa Tottenham và Rochdale, VAR không chỉ khiến đội bóng mà cả người hâm mộ phẫn nộ vì sự phiền toán khi công nghệ này và trọng tài dường như đã “giẫm chân lên nhau”.
Có tổng cộng 2 lần bóng đã vào lưới Rochdale nhưng bàn thắng lại không được công nhận cho Tottenham. Đáng chú ý ở tình huống thứ hai, cầu thủ Rochdale phạm lỗi, trọng tài cho Tottenham hưởng một quả phạt ngoài vòng cấm nhưng sau đó nhờ công nghệ VAR, trọng tài cho Tottenham hưởng 1 quả penalty. Cầu thủ Tottenham ở chấm 11 mét đưa bóng vào lưới nhưng sau đó, cũng nhờ VAR, trọng tài không công nhận bàn thắng bởi cho rằng cầu thủ dường như đã đứng lại trong khi chạy lấy đà sút bóng.
Tại Bundesliga, mọi chuyện cũng không khả quan hơn. Trong trận đấu giữa Mainz 05 và SC Freiburg, khi hiệp 1 kết thúc và cả 2 đội đang vào phòng nghỉ giải lao thì trọng tài ra lệnh cho họ quay lại sân để thực hiện một quả phạt đền, sau khi nhận từ vấn từ đội ngũ VAR. Tất nhiên, cả người hâm mộ và cầu thủ đều tỏ ra bất bình.
Tại World Cup đang diễn ra, rõ ràng VAR đang để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực, song nó cũng tạo ra những làn sóng tranh cãi dữ dội. Cầu thủ Thụy Sĩ ghi bàn vào lưới Brazil sau khi phạm lỗi, công nghệ VAR không được trọng tài sử dụng ngay khi cầu thủ Brazil khiếu nại. Trong trận đấu giữa Morocco và Bồ Đào Nha, bóng chạm tay Pepe trong vòng cấm và công nghệ VAR dường như cũng chẳng hề hay biết.
Hình ảnh ghi nhận trên sân mà chúng ta có thể theo dõi sau đó cho thấy trọng tài phải thay thiết bị liên lạc, vậy hóa ra Bồ Đào Nha đã thắng Morocco nhờ bộ đàm của trọng tài hư? Trận đấu giữa Anh và Tunisia, fan hâm mộ tỏ ra không hài lòng khi Harry Kane bị phạm lỗi trong vòng cấm những 2 lần nhưng không hề được hưởng quả phạt đền. World Cup 2018 mới đi được 1 chặng đường và đó cũng chỉ là một vài trong số nhiều tình huống mà VAR gây tranh cãi.
Cái kết:
Hơn 1 thập kỷ qua, công nghệ tác động đến mọi ngóc ngách và thay đổi đời sống con người một cách chóng mặt. Bóng đá cũng không nằm ngoài cuộc khi tất cả mọi thứ có liên quan đến trò chơi này đều đang được tính toán bằng công nghệ. Số lượng vé, bản quyền truyền hình hay hiệu suất hoạt động của cầu thủ, mọi thứ đều được phân tích bởi thuật toán. Một lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập thông qua các thiết bị đeo thông minh và huấn luyện viên có thể sử dụng chúng để đưa ra những bài tập cũng như chiến lược riêng cho từng cá nhân.
Công nghệ biến bóng đá từ một trò chơi thể thao đơn thuần thành một ngành công nghiệp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên với VAR, nhiều người đang cảm thấy công nghệ có lẽ đã đi quá xa và khiến cho bóng đá đang dần mất đi bản chất vốn có của nó. Thật kỳ lạ khi fan hâm mộ đã nhảy cẩng lên để ăn mừng bàn thắng nhưng sau đó công nghệ VAR lại khước từ. Và cũng thật kỳ lạ khi bóng đã vào lưới nhưng chúng ta vẫn chưa được ăn mừng vì trọng tài phải chờ công nghệ VAR xác nhận cái đã.
Mục đích cho sự ra đời của VAR không phải xấu, nhưng cái cách mà nó đang được áp dụng khiến cả người hâm mộ và cầu thủ không mấy hài lòng. VAR được cho là sẽ giúp bóng đã trở nên công bằng hơn, nhưng với những gì đang diễn ra, bạn có thấy vậy không?