Lấy cảm hứng từ những bức tranh tĩnh vật kinh điển, các nhiếp ảnh gia thế kỷ 19 đã khởi nguồn cho một thể loại ảnh được nhiều người thử nghiệm và yêu thích cho đến ngày nay: chụp ảnh tĩnh vật (still life photography). Qua bài viết này, Tokyo Camera hy vọng các bạn sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về ảnh tĩnh vật để làm phong phú thêm “cuộc chơi” nhiếp ảnh của mình.
Chụp ảnh tĩnh vật là gì?
Chụp ảnh tĩnh vật là thể loại nhiếp ảnh ghi lại những vật thể vô tri giác. Các chủ thể của ảnh có thể là hoa quả, chai, lọ, bát, đĩa, dụng cụ nhà bếp, sách vở, đồ nội thất, phục trang hoặc bất cứ vật dụng nào khác. Có thể nói, ảnh tĩnh vật là khi khung hình không có các yếu tố con người hay động vật và người chụp hoàn toàn sắp xếp được các yếu tố trong khung hình đó.
Chụp ảnh tĩnh vật thường được thực hiện trong môi trường studio, trong nhà, với ánh sáng và thiết bị cũng như bày trí, bố cục được kiểm soát kỹ càng. Một bức ảnh tĩnh vật được coi là đẹp khi nó làm nổi bật được lên đường nét, màu sắc, hình dạng, chi tiết bề mặt của chủ thể cũng như ánh sáng và bóng tối trong khung hình, đồng thời gợi lên được không gian, bối cảnh và câu chuyện xoay quanh những đồ vật tưởng chừng vô tri đó.
Chụp ảnh tĩnh vật là gì – Lịch sử và phát triển
Khởi nguồn
Xuất hiện từ thế kỷ thứ 19, nhiếp ảnh tĩnh vật được cho là thể loại nhiếp ảnh ra đời sớm nhất. Với hạn chế về thời gian phơi sáng quá dài của máy ảnh khi đó, các nhiếp ảnh gia chỉ có thể chụp lại những vật thể tĩnh. Học hỏi từ bố cục và ánh sáng của những tác phẩm hội họa kinh điển, nhiếp ảnh tĩnh vật nhanh chóng trở thành một hình thức nghệ thuật được ưa chuộng, đòi hỏi cái nhìn tinh tế của nhiếp ảnh gia.
Ban đầu, các bức hình tĩnh vật chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, như chụp lại các loài thực vật quý hiếm. Đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, chụp ảnh tĩnh vật dần được ứng dụng cho các mục đích thương mại như quảng cáo sản phẩm và đồ ăn.
Hiện đại
Không chỉ mô phỏng các tác phẩm hội hoạ, một số nhiếp ảnh gia thế kỷ 20-21 đã nâng tầm chụp ảnh tĩnh vật thành một loại hình nghệ thuật có sức biểu đạt và trừu tượng cao, với những tác phẩm sắp đặt đầy ý đồ.
Theo dòng chảy của lịch sử phát triển nhiếp ảnh, chụp ảnh tĩnh vật đã trở thành một trong các “trụ cột” của loại hình nghệ thuật này bên cạnh ảnh chân dung, phong cảnh, đường phố. Ảnh tĩnh vật đã vượt qua biên giới của thể loại ảnh nghệ thuật và ngày càng cho thấy vị trí quan trọng đối với ảnh thương mại và cả báo chí.
Chụp ảnh tĩnh vật là gì – Các chủ đề phổ biến
Chụp ảnh sản phẩm
Chụp ảnh sản phẩm là chủ đề ảnh ghi lại các sản phẩm thương mại một cách chân thực nhất, đồng thời làm nổi bật các đặc tính của sản phẩm, phục vụ cho mục đích quảng bá và bán hàng.
Chụp ảnh đồ ăn
Chụp ảnh đồ ăn là một nhánh của ảnh tĩnh vật tập trung vào việc ghi lại hình ảnh các món ăn (có thể kèm theo các dụng cụ chứa, đựng, dụng cụ làm bếp, gia vị và các đạo cụ khác) làm nổi bật màu sắc và kết cấu của món ăn, phục vụ cho mục đích nghệ thuật hoặc quảng bá.
Chụp ảnh hoa và thực vật
Chụp ảnh thực vật là chủ đề ảnh xoay quanh các loài cây và hoa. Thể loại ảnh này có thể được phân biệt với ảnh phong cảnh khi chỉ tập trung vào một hoặc một vài đối tượng riêng lẻ với sự chủ động kiểm soát về bố cục cũng như ánh sáng thay vì chụp lại một bối cảnh ngoài trời rộng lớn. Một số nhiếp ảnh gia còn sử dụng nhiếp ảnh để ghi lại các thế cắm hoa nhất định.
Chụp ảnh tĩnh vật trên bàn
Ảnh trên bàn hay tabletop photography thực chất là một khái niệm rộng bao gồm tất cả những bức ảnh chụp lại các vật thể được đặt trên bàn hoặc một mặt phẳng bất kỳ. Với sự phát triển của mạng xã hội, các bức ảnh tabletop thường được hiểu là chụp lại mọi vật dụng thể hiện một phong cách hoặc lối sống cụ thể, như chiếc laptop, cuốn sách, tách cà phê, đĩa đồ ăn, dao, dĩa… Ảnh tĩnh vật trên bàn thường chú trọng tới ánh sáng và bố cục để làm nổi bật ý đồ phối màu, tạo hình của tác giả.
Chụp ảnh tĩnh vật trừu tượng
Ảnh trừu tượng tập trung khắc họa những yếu tố đường, nét, màu sắc, chất liệu, phản chiếu, ánh sáng và bóng tối trong khung hình. Làm nổi bật một hoặc một vài yếu tố nhất định trong khi ẩn đi những yếu tố cụ thể khác sẽ làm khơi gợi trí tưởng tượng và suy nghĩ của người xem.
Chụp ảnh tĩnh vật là gì – Cách sắp đặt đơn giản nhất
Thiết bị và thông số
Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay đều có khả năng chụp ảnh với chất lượng tốt. Để tối ưu về chi tiết, màu sắc cũng như khả năng xử lý các điều kiện ánh sáng, bạn có thể tham khảo các dòng máy ảnh Canon tốt nhất.
Để thu được hình ảnh ở nhiều góc độ độc đáo nhất có thể, hãy sử dụng các ống kính macro với khoảng cách lấy nét cực gần. Nếu muốn chụp từ góc thẳng đứng (flatlay) bạn có thể cân nhắc các ống kính góc rộng hơn (tiêu cự khoảng 24 – 35mm).
Chụp ảnh ở chế độ M (Manual) cùng với chế độ lấy nét thủ công sẽ cho phép người chụp kiểm soát được tối đa lượng ánh sáng thu vào và quyết định độ rõ nét của từng yếu tố trong khung hình. Song song với việc kiểm soát khẩu độ, người chụp có thể sử dụng kỹ thuật focus bracketing và focus stacking để thu được trường nét tối ưu nhất.
Để có được bố cục hình ảnh ổn định nhất, hãy đặt máy ảnh lên tripod hoặc chân C stand nếu muốn chụp từ trên cao. Vị trí máy ổn định cũng giúp nhiếp ảnh gia thực hiện các kỹ thuật phơi sáng dài, khẩu độ nhỏ cho trường nét sâu hoặc chụp liên tục để đạt được các hiệu ứng ấn tượng.
Bố cục hình ảnh
Ảnh tĩnh vật thường chịu ảnh hưởng của hội hoạ về bố cục. Cụ thể, các nhiếp ảnh gia sử dụng bố cục 1/3 hoặc tỷ lệ vàng để thu hút người xem vào chủ thể. Trong ảnh sản phẩm và đồ ăn, người chụp có thể sắp xếp các đạo cụ theo đường chữ S hoặc đường chéo để tạo chuyển động dẫn dắt thú vị hơn. Để bức ảnh có thêm chiều sâu nội dung, hãy bố trí các đạo cụ có liên quan tới chủ thể chính ở xung quanh.
Ngoài những cách sắp đặt phổ biến này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về bố cục trong nhiếp ảnh để có thể tạo ra những bức hình ấn tượng nhất.
Ánh sáng
Việc sắp đặt ánh sáng phụ thuộc vào ý đồ muốn thể hiện của người chụp. Các hướng sáng thuận thể hiện sự rõ ràng, dễ chịu, trong khi hướng sáng xiên làm nổi bật đường nét, hình khối, dẫn dắt thị giác người xem một cách có chủ ý, còn hướng sáng ngược thúc đẩy sự kịch tính và trừu tượng. Can thiệp vào nguồn sáng bằng các filter và vật cản cũng giúp cho bức ảnh có nội dung và câu chuyện hấp dẫn hơn.
Tựu chung, mỗi khung hình cần ít nhất một nguồn sáng chính và các nguồn sáng phụ. Hầu hết các nhiếp ảnh gia sử dụng đèn flash hoặc đèn LED chiếu sáng liên tục cho một set chụp tĩnh vật. Với chi phí không quá đắt đỏ, các loại đèn nhiếp ảnh đến từ Godox là lựa chọn của khá nhiều nhiếp ảnh gia bán chuyên đến chuyên nghiệp. Để tăng thêm không khí và cảm giác chân thực, có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên hoặc các loại đèn phòng, đèn ngủ tạo ra ánh sáng có màu dịu nhẹ.
Nếu muốn bóng đổ mềm hơn, các loại tản sáng và softbox sẽ là dụng cụ không thể thiếu. Cùng với đó, bạn có thể sử dụng hắt sáng hoặc tấm phản quang (reflector) để giúp cho vùng tối thêm sinh động và chi tiết.
Để kiểm soát ánh sáng trong nhiếp ảnh theo ý muốn, bạn có thể tham khảo các bài viết về ánh sáng cũng như light modifier và các loại đèn hỗ trợ chụp ảnh chính hãng tại Tokyo Camera.
Tổng kết
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có những kiến thức cơ bản về chụp ảnh tĩnh vật để làm giàu “vốn liếng” nhiếp ảnh của mình. Tokyo Camera chúc các bạn sẽ có được những tác phẩm ưng ý!