Đã bao lần bạn đau đầu khi cố gắng chụp những chiếc xe đang chạy, đặt tốc độ màn trập rất cao nhưng ảnh vẫn không nét? Bạn đang thắc mắc làm thế nào các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể tạo ra cảm giác chuyển động “xé gió” đầy nghệ thuật trong bức ảnh của họ? Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề này, hãy tham khảo bài hướng dẫn chụp lia máy sau đây của TokyoCamera để có thêm một kỹ thuật hữu ích cho cuộc chơi nhiếp ảnh của mình.
Hướng dẫn chụp lia máy – Khái niệm
Lia máy (còn gọi là pan hay panning) là chuyển động đưa máy ảnh theo chiều ngang, xoay quanh một điểm cố định, thường là bám theo chuyển động của một đối tượng cụ thể trong khung hình. Để dễ hình dung, lia máy là chuyển động giống với việc bạn xoay cổ từ trái sang phải hoặc ngược lại. Kỹ thuật này cũng rất phổ biến trong ngành quay phim, điện ảnh.
Các chủ thể dành cho chụp lia máy có thể là xe cộ, tàu hoả, máy bay hay cả con người và động vật đang chuyển động. Khi tốc độ lia đồng bộ với vận tốc của chủ thể, hình ảnh tạo ra sẽ có phần hậu cảnh và tiền cảnh mờ nhòe với các vệt mờ chuyển động (motion blur) dài được tạo ra bởi các vật thể tĩnh trong khi đối tượng di chuyển vẫn sắc nét, tạo ra cảm giác tốc độ và quán tính đầy ấn tượng.
Mục đích chụp lia máy
Chụp lia máy là kỹ thuật thường được nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng trong các môn thể thao như: chạy, đua xe, trượt tuyết để lột tả tính chất tốc độ và gay cấn của các môn thể thao này. Trong các hình ảnh quảng cáo sáng tạo của các dòng sản phẩm xe máy, xe hơi, xe đạp, giày, ván trượt,… người chụp cũng có thể tận dụng lia máy để có những shoot hình ấn tượng hơn, làm nổi bật đặc tính chuyển động và thể thao của sản phẩm.
Các nhiếp ảnh gia nghệ thuật, đường phố và báo chí cũng rất yêu thích kỹ thuật này bởi nó tạo ra những cảm giác chuyển động được cường điệu hoá, thậm chí mô phỏng các hiệu ứng đồ hoạ, tạo ra đường nét cuốn hút, đưa hình ảnh tĩnh đến gần hơn với hội hoạ, khơi gợi cảm xúc mãnh liệt.
Hướng dẫn chụp lia máy – Thiết lập thông số
Tiêu cự ống kính
Các tiêu cự ngắn (khoảng 35mm trên máy ảnh full-frame và ngắn hơn) cho góc nhìn rộng sẽ dễ dàng hơn để bắt đầu chụp lia máy. Góc nhìn rộng cũng khiến chủ thể chiếm kích thước nhỏ trong khung hình, và tốc độ lia ngang của bạn sẽ cần chậm hơn để đồng bộ, vô tình khiến hiệu ứng motion blur kém nổi bật.
Ngược lại, các tiêu cự trung bình đến tele sẽ làm kích thước của chủ thể lớn nổi bật trong khung hình cũng như hiệu ứng mờ nhòe chuyển động trở nên rõ rệt hơn. Tuy vậy, người chụp sẽ cần giữ máy ổn định và bố cục khung hình cẩn trọng (tốt nhất là giữ chủ thể ở giữa khung hình) khi thực hiện lia máy để tránh tình trạng chủ thể bị cắt vào cạnh hoặc biến mất khỏi bức ảnh của bạn. Tùy vào khoảng cách với chủ thể, tiêu cự tốt nhất cho người mới sẽ rơi vào khoảng từ 35mm đến 70mm.
Để tìm hiểu thêm về tiêu cự ống kính, bạn có thể tham khảo bài viết về tiêu cự trên máy ảnh và ứng dụng của chúng.
Khẩu độ
Với các máy ảnh và ống kính thủ công cổ điển, người chụp thường có xu hướng thiết lập khẩu độ mở nhỏ (f8 đến f11) để có độ sâu trường nét tối ưu nhất kể cả khi điểm lấy nét không thực sự chính xác. Thực chất, thiết lập này cũng mang đến một lợi ích là bức ảnh sẽ không bị dư sáng khi sử dụng tốc độ màn trập thấp ở điều kiện ban ngày. Do đó, dù chiếc máy ảnh của bạn có “xịn xò” đến đâu, trừ khi bạn chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, hãy sử dụng khẩu độ nhỏ nhất có thể. Đừng bận tâm về hậu cảnh trở nên sắc nét ngoài ý muốn, bởi nếu điều đó xảy ra, đó là do bạn chưa lia máy một cách tối ưu.
Tốc độ màn trập
Mấu chốt của việc tạo ra các đường motion blur đầy năng lượng là ở tốc độ màn trập. Trước khi tìm ra tốc độ tối ưu nhất, bạn có thể chuyển máy ảnh sang chế độ ưu tiên tốc độ Shutter Priority (Tv) hoặc Manual (M) để kiểm soát theo ý muốn. Hãy bắt đầu với các tốc độ chậm vừa phải như 1/60s, sau đó điều chỉnh. Tốc độ càng chậm sẽ cho độ mờ nhoè rõ rệt hơn.
Đối với các chủ thể di chuyển nhanh như xe hơi, xe đua, hãy tăng tốc độ lên một chút, khoảng 1/100 đến 1/500s. Đối với xe đạp, người chạy bộ, hãy giảm tốc độ xuống 1/30 – 1/40s. Bạn thậm chí có thể chụp lia máy cả người đi bộ với tốc độ màn trập khoảng 1s đến 1/20s. Ở những tốc độ chậm như vậy, bạn có thể sử dụng đèn flash để đóng băng chuyển động tốt hơn và có hình ảnh sắc nét.
Chế độ chụp và lấy nét
Panning vốn là một kỹ thuật phổ biến trong làm phim, và bản chất của những thước phim là một chuỗi hình ảnh liên tục được phát với tốc độ tương đối ổn định. Các nhiếp ảnh gia có thể “học hỏi” đặc tính này và sử dụng chế độ chụp liên tục để tạo ra những “thước phim” ảnh panning sắc nét. Chụp liên tục sẽ giúp bạn bắt trọn những khoảnh khắc xuất hiện chớp nhoáng trong khung hình, đồng thời giữ được nhịp độ, quá trình lia liền mạch, nâng cao độ ổn định, giảm thiểu việc nhấn – nhả nút chụp gây rung lắc cho máy ảnh.
Kết hợp với chế độ chụp liên tục, bạn có thể cho phép máy ảnh lấy nét tự động liên tục (Continuous AF/AF-C) và theo dõi chủ thể tự động để có điểm lấy nét được điều chỉnh chính xác cho mỗi lần bấm máy.
Nếu bạn muốn kiểm soát tối ưu trường nét, có thể chuyển sang chế độ lấy nét thủ công và thiết lập khoảng lấy nét cũng như điều chỉnh khẩu độ phù hợp. Khoảng nét có thể được theo dõi qua thước đo độ sâu trường ảnh. Cách làm này cho phép điểm lấy nét được giữ cố định, tránh bị thay đổi ngoài ý muốn, rất hữu dụng khi chụp những chủ thể có khoảng cách và tốc độ tương đối ổn định như xe đua, phù hợp với những máy ảnh không có hệ thống lấy nét quá tân tiến. Để hiểu thêm về cách kiểm soát độ nét tối ưu, hãy tham khảo bài viết về độ sâu trường ảnh của Tokyo Camera.
Thiết bị
Một điểm đặc biệt của kỹ thuật lia máy là nó đã được thực hành từ thời kỳ của những chiếc máy ảnh film với số lượng ảnh chụp giới hạn. Thực chất, kỹ thuật này khá thân thiện ngay cả với người mới, cho thành quả đạt được rất xứng đáng với công sức luyện tập và có thể thực hiện trên hầu hết máy ảnh thông dụng, thậm chí là trên chiếc điện thoại của bạn.
Tuy nhiên, để có hiệu quả chụp lia máy tối ưu, bạn có thể tìm kiếm những mẫu máy ảnh mirrorless chuyên dụng trong khả năng kinh tế của mình. Những thiết bị này sẽ cho phép chụp liên tục ở tốc độ cao và lấy nét tự động cũng như theo dõi chủ thể chính xác hơn, hỗ trợ bạn có những bức ảnh sắc nét trong mọi điều kiện.
Canon EOS R8
Sở hữu cảm biến CMOS full-frame 24,2MP cho màu sắc và dải tương phản sống động, màn hình cảm ứng đa góc 3.0″ 1.62 triệu điểm ảnh, hệ thống Dual Pixel CMOS AF II chính xác và nhanh nhạy của nhà Canon, đặc biệt là khả năng chụp liên tiếp với màn trập điện tử tốc độ 40 khung hình/giây vượt trội trong một thân hình nhẹ như máy crop, Canon EOS R8 sẽ giúp bạn tạo ra những cú lia “thần sầu” trên mọi cung đường.
Sony A7C II
Với kích thước nhỏ gọn và cũng mang trong mình cảm biến full-frame CMOS với độ phân giải 33MP, Sony A7C II còn được trang bị bộ xử lý hình ảnh BIONZ XR, cho khả năng chụp liên tiếp 10 khung hình/giây, chống rung 5 trục lên đến 7 stop khi chụp tốc độ màn trập thấp trên tay, 759 điểm lấy nét bao phủ 94% cảm biến, dải ISO 100 – 51.200 và khả năng khử nhiễu hiệu quả cho chất lượng hình ảnh tối ưu trong mọi điều kiện ánh sáng. Đây sẽ là trợ thủ đắc lực cho những tay máy đam mê hành động tốc độ cao.
Fujifilm X-H2S
Nếu đang tìm kiếm sự nhỏ gọn, một thân máy crop hiệu suất cao như Fujifilm X-H2S sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc. Sở hữu cảm biến xếp chồng 26.1MP X-Trans 5 chiếu sáng sau, bộ xử lý X-Processor 5 với khả năng chụp liên tiếp 40fps (màn trập điện tử) và lên đến 15fps trên màn trập cơ, chống rung 5 trục cho hiệu quả đến 7 stop và 425 điểm lấy nét tự động chính xác, mọi thao tác lia máy của bạn sẽ trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Sony A9 III
Sony A9 III là chiếc máy ảnh full-frame đầu tiên trên thế giới sử dụng màn trập global shutter đem đến khả năng chụp ảnh liên tiếp lên đến 120 khung hình/giây nhanh chóng mặt. Cơ chế màn trập mới cho phép chụp lại những chủ thể đang chuyển di chuyển siêu nhanh mà hình ảnh hoàn toàn không bị biến dạng và tái tạo chi tiết đến ngỡ ngàng. Sở hữu cảm biến full-frame Exmor RS CMOS 24,6MP, tốc độ màn trập lên tới 1/80.000 giây, 759 điểm lấy nét theo pha và chống rung 5 trục bù trừ đến 8 stop, A9 III sẽ mang đến trải nghiệm chụp lia máy thoả mãn mọi tín đồ công nghệ và tốc độ đỉnh cao.
Ngoài ra, để nâng cao độ ổn định khi thực hiện lia, bạn có thể gắn máy ảnh lên chân tripod chuyên dụng, giúp dễ dàng kiểm soát tốc độ lia và bố cục khung hình.
Hướng dẫn chụp lia máy – Các bước chuẩn bị và kỹ thuật
Chuẩn bị
Thiết lập tốc độ màn trập, khẩu độ và mức ISO sao cho bức ảnh đủ sáng. Bạn có thể tham khảo các mức tốc độ sau cho từng chủ thể thường gặp:
- Người chạy bộ – 1/20s đến 1/40s
- Đạp xe – 1/30s đến 1/60s
- Đạp xe xuống dốc – 1/100s
- Xe ô tô – 1/50s
- Đua ngựa – 1/50sec
- Xe gắn máy, mô tô – 1/250s
- Xe F1 – 1/500s
- Xe đua theo làn – 1/1000s
Hướng dẫn chụp lia máy – Kỹ thuật
Bước 1. Bố cục khung hình rộng rãi để bạn có nhiều không gian phù hợp với chủ thể chuyển động nhanh.
Bước 2. Nhấn nút chụp ngay trước khi chủ thể vọt qua vị trí của bạn.
Bước 3. Giữ thế đứng rộng và xoay phần thân trên theo hình vòng cung 90 độ
Bước 4. Di chuyển cơ thể của bạn từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái theo hướng di chuyển của đối tượng.
Bước 5. Chụp liên tục trong suốt chuyển động.
Bước 6. Lia một cách đều đặn và không dừng lại đột ngột, nếu không nó sẽ làm hiệu ứng motion blur của bạn không được như ý.
Tổng kết
Trên đây là hướng dẫn cơ bản nhất để bạn bắt đầu chụp ảnh lia máy. Để có cảm giác chụp và kết quả ấn tượng nhất, việc luyện tập thường xuyên là không thể bỏ qua. Hy vọng bạn đã có cho mình những kiến thức bổ ích cho hành trình sáng tạo của bản thân. Nếu đang tìm mua một chiếc máy ảnh hỗ trợ lia máy tốt nhất, bạn có thể liên hệ với các chi nhánh của Tokyo Camera để được hưởng mức giá ưu đãi ngay hôm nay.