Khẩu độ là một khái niệm thường được nhắc đến và có thể gây khó hiểu cho nhiều người mới tiếp cận với nhiếp ảnh. Qua bài viết ngắn gọn sau đây của TokyoCamera, hy vọng các bạn sẽ nắm được cách làm chủ thông số khẩu độ trong nhiếp ảnh để tạo ra những bức ảnh ấn tượng nhất.
Định nghĩa khẩu độ trong nhiếp ảnh
Nói một cách đơn giản, ‘aperture’ hay ‘khẩu độ’ là một lỗ trong ống kính cho phép ánh sáng đi qua. Từ lâu, ống kính máy ảnh đã cho phép điều chỉnh khẩu độ để bạn có thể kiểm soát lượng ánh sáng thu được. Đây là một trong những thông số bạn sử dụng để kiểm soát độ phơi sáng, cùng với tốc độ màn trập và cài đặt ISO.
Cơ chế kiểm soát ánh sáng này phụ thuộc vào các màng chắn tạo thành từ các ‘lá khẩu độ’ xếp chồng lên nhau bên trong ống kính. Các lá khẩu độ này sẽ xoay vào và ra khi bạn điều chỉnh khẩu độ để thay đổi độ mở của một lỗ tròn ở giữa.
Nếu bạn giảm độ mở khẩu độ, bạn sẽ giảm lượng ánh sáng đi qua ống kính, do đó bạn sẽ cần phơi sáng lâu hơn (tốc độ màn trập chậm hơn) để thu được lượng ánh sáng tối ưu. Nếu bạn tăng độ mở khẩu độ, bạn sẽ thu được nhiều sáng để có thể sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn.
Giá trị f-stop của khẩu độ
Nếu từng chú ý đến cách giá trị khẩu độ được biểu diễn trên ống kính và máy ảnh, bạn có thể thấy chúng không chỉ là những con số đơn giản. Ví dụ, bạn có thể có một ống kính với khẩu độ f/2.8, f/4, f5.6, f/8, f/11 và f/16. Chữ “f” trong “f-stop” chính là đại diện cho focal length (độ dài tiêu cự). Thực chất, cách biểu diễn này cho thấy khẩu độ trong nhiếp ảnh, hay độ mở khẩu luôn tuân theo một tỷ lệ nhất định với tiêu cự ống kính (1/2.8, 1/4, 1/8,…) Theo lẽ đó, con số sau “f/” càng lớn thì độ mở khẩu độ sẽ càng nhỏ, và lượng ánh sáng thu vào sẽ càng ít đi.
Mặc dù hệ thống biểu diễn bằng phân số và số thập phân này có vẻ khó hiểu, nhưng trên thực tế, nó lại đơn giản đến không ngờ. Ví dụ, khẩu độ f/5.6 sẽ mang lại độ phơi sáng chính xác như nhau bất kể ống kính, cảm biến hay hệ thống máy ảnh nào.
Điều thậm chí còn thông minh hơn là mỗi mức khẩu độ “full stop” sẽ cho lượng ánh sáng đi qua bằng một nửa (hoặc gấp đôi) so với mức thiết lập “full stop” tiếp theo. Đây cũng là cách tốc độ màn trập và thiết lập ISO hoạt động, và bạn hoàn toàn có thể cân bằng giữa chúng mà không cần tính toán phức tạp.
Các mức khẩu độ phổ biến trong nhiếp ảnh
Những ‘f-number’ hoặc ‘f-stop’ được sắp xếp theo một thứ tự được chuẩn hóa trên tất cả các máy ảnh và ống kính. Nhiều thiết bị sẽ cung cấp khoảng dừng nửa hoặc một phần ba ở giữa và những khoảng dừng này cũng được chuẩn hóa. Bảng bên dưới liệt kê các cài đặt thường gặp nhất.
f-stop chính | 1/3 stop | Ứng dụng |
f/1 | Ống kính prime khẩu độ cực lớn (không zoom), tạo độ sâu trường ảnh siêu mỏng huyền ảo và thu sáng vượt trội | |
f/1.1 | ||
f/1.2 | ||
f/1.4 | Ống kính prime chuyên nghiệp khẩu độ lớn, chụp đêm | |
f/1.6 | ||
f/1.8 | ||
f/2 | Ống kính prime gọn nhẹ, một số ống kính zoom cỡ lớn | |
f/2.2 | ||
f/2.5 | ||
f/2.8 | Ống kính khẩu độ cố định (zoom, prime) chuyên nghiệp | |
f/3.2 | ||
f/3.5 | ||
f/4 | Ống kính zoom gọn nhẹ, khẩu độ cố định | |
f/4.5 | ||
f/5.0 | ||
f/5.6 | Khẩu độ lớn nhất tại mức tiêu cự dài nhất của một số ống kính zoom phổ thông | |
f/6.3 | ||
f/7.1 | ||
f/8 | Khẩu độ lớn nhất tại mức tiêu cự dài nhất của một số ống kính zoom giá rẻ và ống kính tele zoom | |
f/9.0 | ||
f/10 | ||
f/11 | ||
f/13 | ||
f/14 | ||
f/16 | Khẩu độ nhỏ nhất tối ưu cho hầu hết các nhu cầu, cho độ sâu trường ảnh dày và ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu xạ |
Các ống kính có khẩu độ tối đa rất rộng thường được gọi là ống kính ‘nhanh’ – bởi khẩu độ lớn cho phép tốc độ màn trập nhanh hơn mà vẫn đủ ánh sáng tối ưu cho khung hình. Đơn cử như dòng ống kính Noct của Nikon nổi danh với khẩu độ lớn hơn f/1.4.
Khẩu độ và độ sâu trường ảnh
Khẩu độ trong nhiếp ảnh không chỉ có ý nghĩa về độ phơi sáng. Thay đổi khẩu độ cũng thay đổi ‘độ sâu trường ảnh’, hay mức độ sắc nét từ gần đến xa mà bạn có được trong ảnh. Khẩu độ nhỏ cho bạn độ sâu trường ảnh lớn hơn, do đó bạn có thể làm sắc nét cả chủ thể và hậu cảnh, trong khi khẩu độ lớn cho bạn độ sâu trường ảnh nhỏ hơn, do đó bạn có thể làm sắc nét chủ thể và làm mờ hậu cảnh một cách có chủ đích.
Các nhiếp ảnh gia chân dung thường yêu thích một sự kết hợp giữa tiêu cự dài và khẩu độ lớn để làm nổi bật chủ thể của mình, với một ống kính “chân dung” như Canon RF 85mm f/1.2 L USM.
Ý nghĩa của khẩu độ tối đa
Các nhà sản xuất luôn tự hào về khẩu độ tối đa của ống kính. Bạn có thể sử dụng khẩu độ nhỏ hơn, nhưng khẩu độ lớn nhất có sẵn luôn là điểm bán hàng chính và luôn xuất hiện trong thông số kỹ thuật và tên ống kính. Ví dụ: ống kính có khẩu độ “khủng” Nikon NIKKOR Z 58mm f/0.95 S Noct.
Có một vài lợi thế đối với ống kính có khẩu độ rộng. Bạn có tốc độ màn trập cao hơn và giảm thiểu khả năng máy ảnh bị rung hoặc chủ thể chuyển động gây mờ nhoè trong điều kiện thiếu sáng, cùng với khả năng làm mờ hậu cảnh một cách chọn lọc và sáng tạo cho ảnh chân dung hoặc ảnh sản phẩm. Tất cả những khả năng hấp dẫn này khiến ống kính có khẩu độ tối đa lớn luôn được ưa chuộng bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Các ống kính ‘prime’ thường cung cấp khẩu độ tối đa rộng hơn nhiều so với zoom. Ống kính prime có thể có khẩu độ tối đa ở bất kỳ đâu từ f/2.8 đến f/1 hoặc thậm chí rộng hơn đối với các ống kính thực sự chuyên dụng. Nhiều ống kính prime ‘cao cấp’ có khẩu độ tối đa là f/1.4, cho phép lượng ánh sáng đi qua gấp đôi so với ống kính f/2 và gấp bốn lần so với ống kính f/2.8. (Tất nhiên, nếu bạn sử dụng bất kỳ ống kính nào trong số này ở cùng một cài đặt khẩu độ, ví dụ f/2.8, lượng ánh sáng đi qua là như nhau.)
Bokeh trong nhiếp ảnh
‘Bokeh’ thực chất là một từ ngữ có phần hoa mỹ ám chỉ các vùng mờ nhoè mất nét trong khung hình. Các nhiếp ảnh gia thường mô tả hiệu ứng bokeh với những tính từ như ‘rối rắm’, hoặc hiệu ứng bokeh ‘vân hành’, hay bokeh ‘mắt mèo’. Có một số người thực sự đào sâu và sành sỏi về hiệu ứng bokeh của từng loại ống kính.
Khi sử dụng các mức khẩu độ lớn, vùng mờ nhoè này sẽ ngày càng rõ rệt, thậm chí gây khó khăn cho nhiếp ảnh gia khi muốn kiểm soát độ nét tối ưu cho một vùng nhất định trong ảnh. Các ‘bóng’ bokeh (bokeh ball) được tạo thành bởi các điểm sáng được làm mờ cũng sẽ trở nên tròn trịa hơn, gần với hình dạng của lỗ khẩu độ khi mở khẩu lớn. Ngược lại, khép khẩu độ sẽ khiến vùng xoá phông trở nên khó nhận ra hơn và các bokeh balls cũng sẽ xuất hiện ở dạng đa giác nhiều cạnh thay vì tròn trịa và mềm mại. Thông thường, ống kính có số lượng lá khẩu nhiều hơn sẽ cho ra bokeh tròn và lớn hơn đáng kể so với các ống kính có cùng tiêu cự và khẩu độ khác.
Về cơ bản đó là xoá phông, nhưng ‘bokeh’ sẽ mô tả hiệu ứng xoá phông đó trông như thế nào và liệu nó có hấp dẫn về mặt thị giác hay không. Xoá phông và bokeh đi đôi với nhau, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau.
Tổng kết
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm hiểu biết về khẩu độ trong nhiếp ảnh và các khái niệm liên quan. Nếu đang tìm kiếm ống kính khẩu độ lớn với mức giá phải chăng, bạn có thể tham khảo website và các chi nhánh của TokyoCamera trên toàn quốc. Bạn cũng có thể tìm hiểu các khái niệm cơ bản trong nhiếp ảnh qua các bài viết hữu ích trên được đăng tải trên trang web của TokyoCamera.