Nếu đã từng tìm mua linh kiện máy ảnh, có lẽ đã không ít lần bạn bắt gặp thuật ngữ “ống kính tele”, hay cụ thể hơn là “ống kính telephoto”. Vậy ống kính tele là gì, và khi nào chúng ta cần đến chúng? Bài viết dưới đây sẽ cho các bạn một cái nhìn cụ thể hơn để có lựa chọn phù hợp.
Ống kính tele là gì?
Ống kính tele là một loại ống kính nhiếp ảnh có tiêu cự dài. Nó giúp kéo các cảnh vật, chủ thể ở xa lại gần và khiến chúng trông lớn hơn mắt thường nhìn thấy. Tiêu cự của các ống kính dạng này thường từ khoảng 85mm (quy đổi trên định dạng film 35mm hoặc cảm biến full-frame) trở lên.
Một đặc điểm dễ nhận biết của các bức ảnh được chụp với tiêu cự dài là hiệu ứng “nén”, tức cảm giác tiền cảnh, hậu cảnh và chủ thể được “kéo” lại gần nhau. Cùng với đó, ống kính tele sở hữu độ sâu trường ảnh nông cho khả năng xoá phông mượt mà. Với góc nhìn hẹp, dễ dàng loại bỏ các yếu tố không mong muốn khỏi bố cục, đây cũng là lựa chọn phù hợp cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh.
Ống kính tele là gì – Phân loại
Theo chiều dài tiêu cự
Ống kính tele ngắn: tiêu cự từ 85mm – 135mm, kích thước nhỏ gọn và dễ dàng mang theo. Các ống kính tele ngắn có thể được chế tạo với khẩu độ lớn để tăng khả năng kiểm soát độ sâu trường ảnh và chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng.
Ống kính tele trung bình: tiêu cự từ 135mm – 300mm, kích thước tương đối lớn và thường sử dụng để chụp chân dung, phong cảnh với hiệu ứng nén rõ rệt hoặc các chủ thể là động vật hoang dã.
Ống kính siêu tele: tiêu cự lớn hơn 300mm, kích thước và trọng lượng rất lớn, cần đến các phụ kiện hỗ trợ như chân tripod để có hình ảnh ổn định, thường được sử dụng để chụp ảnh thể thao, động vật hoang dã hoặc các thiên thể như mặt trăng, mặt trời với độ phóng đại hàng chục lần.
Theo khả năng điều chỉnh tiêu cự
Ống kính zoom tele: có thể thay đổi tiêu cự linh hoạt, thường có khẩu độ không lớn hơn f/2.8 do giới hạn về kích thước. Một số ống kính zoom có khẩu độ biến thiên khi điều chỉnh về tiêu cự lớn nhất (ví dụ: Sigma 60-600mm f/4.5-6.3 DG DN OS). Do hạn chế về khả năng thu sáng cũng như kích thước và trọng lượng, các ống kính zoom tele thường có khả năng ổn định quang học để hạn chế rung, nhoè do chuyển động không mong muốn gây ra.
Ống kính prime tele: chỉ có một tiêu cự duy nhất, khẩu độ lớn (f/2.8, f/2, f/1.4), kích thước gọn nhẹ nhưng thường không được tích hợp chống rung quang học. (ví dụ: Sony FE 135mm f/1.8 GM)
Ống kính tele là gì – Ứng dụng
Với tiêu cự dài, ống kính tele rất hữu ích trong việc chụp lại các đối tượng ở xa mà không gây chú ý hoặc làm phiền đến chủ thể. Tuy nhiên, chúng vẫn còn nhiều ứng dụng thú vị khác.
Chụp ảnh cận cảnh
Khi chụp các đối tượng ở khoảng cách lấy nét gần nhất, độ phóng đại của hình ảnh có thể sánh ngang với các ống kính macro chuyên dụng (khoảng 0.5x đến 2x). Với độ sâu trường ảnh cực nông, chủ thể trở nên nổi bật khi xen giữa tiền cảnh và hậu cảnh mờ nhoè. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia cũng cần chú ý hiệu ứng xoá phông do tiêu cự rõ rệt sẽ khiến việc kiểm soát độ nét trở nên khó khăn.
Chụp ảnh thể thao, sự kiện
Các sự kiện, nhất là sự kiện thể thao thường có những giới hạn về khu vực quan sát và di chuyển của khán giả cũng như phóng viên. Những ống kính tele, đặc biệt là zoom tele sẽ mang tới khả năng bao quát từng diễn biến của sự kiện mà không làm gián đoạn nó.
Chụp ảnh thiên văn
Tương tự như sử dụng kính viễn vọng, các thiên thể cách xa Trái Đất như Mặt Trăng đòi hỏi những tiêu cự rất lớn, có khi đến hơn 1200mm để ghi lại bất kỳ chi tiết rõ ràng nào. Để tối ưu chất lượng hình ảnh, nhiếp ảnh gia có thể sử dụng đến tripod hoặc hệ thống tracker và các filter chuyên dụng.
Chụp ảnh phong cảnh, thiên nhiên hoang dã
Việc tiếp cận các loài động vật trong tự nhiên có thể làm xáo trộn môi trường sống của chúng, thậm chí khiến một số động vật trở nên hoảng sợ hoặc có phản ứng phòng vệ gây nguy hiểm cho nhiếp ảnh gia. Do đó, sử dụng các tiêu cự lớn hơn 200mm để chụp động vật hoang dã là lựa chọn an toàn cho cả đôi bên.
Một số cảnh quan tự nhiên vốn nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và áp suất (ví dụ: tảng băng trôi, thạch nhũ,…), hay khó tiếp cận do bị ngăn trở bởi địa hình, sông, suối cũng là chủ thể phù hợp để sử dụng các tiêu cự dài. Hiệu ứng nén cũng giúp tạo ra các bức ảnh phong cảnh với đường nét, mảng miếng thị giác tập trung, trừu tượng, lôi cuốn hơn.
Chụp chân dung với hiệu ứng nén hậu cảnh và xóa phông
Các ống kính dài cho khả năng xoá phông bằng tiêu cự rất mượt mà với độ chuyển vùng nét mềm mại hơn so với các ống kính prime khẩu độ lớn. Một hiệu ứng đi kèm là hậu cảnh được kéo gần lại so với chủ thể, tạo ra những bức ảnh có cảm giác “phẳng” và gần gũi hơn.
Bên cạnh đó, sử dụng ống kính tiêu cự lớn giúp người chụp và chủ thể có thêm khoảng cách, tạo ra sự thoải mái, không bị làm phiền bởi sự hiện diện của máy ảnh chuyên dụng. Nhờ đó, nhiếp ảnh gia có thể bắt được những khoảnh khắc, cảm xúc tự nhiên nhất. Khoảng cách này cũng cho phép người chụp bố trí các thiết bị hỗ trợ như đèn, tản sáng để nâng cao chất lượng hình ảnh.
Ống kính tele là gì – Máy ảnh phù hợp
Với trọng lượng và kích thước lớn, các ống kính tele đòi hỏi một thân máy chắc chắn, bền bỉ, có hiệu suất làm việc cao với các tính năng ổn định hình ảnh và hỗ trợ lấy nét nhanh chóng. Dưới đây là danh sách các máy ảnh được các nhiếp ảnh gia tin dùng với ống kính tele.
Canon EOS R5 – Máy ảnh mirrorless full-frame cao cấp
Với cảm biến CMOS full-frame 45MP, bộ xử lý hình ảnh DIGIC X, khả năng chống rung 5 trục, chụp IBIS High Resolution 400MP, chụp liên tiếp 12 khung hình/giây, hệ thống Dual Pixel CMOS AF II với 1053 điểm, thân máy chắc chắn, chống chịu thời tiết, Canon EOS R5 “đánh cặp” tốt với các ống kính tele.
Sony A7CR – Thân máy full-frame nhỏ gọn mà mạnh mẽ
Sử dụng cảm biến Exmor R CMOS 61MP, bộ xử lý hình ảnh BIONZ XR, tính năng nhận diện, theo dõi chủ thể thông minh, có khả năng chụp liên tiếp lên tới 8 khung hình/giây, chế độ chụp Pixel Shift 240,8MP, chống rung 5 trục đem đến hiệu quả bù đến 7 stop và 693 điểm lấy nét, bao phủ 79% cảm biến, Sony A7CR là một lựa chọn nhỏ gọn nhưng đầy sức mạnh cho người dùng các ống kính tele.
Canon EOS R3 – Thân máy cho người dùng chuyên nghiệp
Sở hữu cảm biến xếp chồng BSI CMOS full-frame 24MP, hệ thống lấy nét Dual Pixel CMOS AF II 1053 điểm, nhận diện chủ thể qua ánh mắt, khuôn mặt, đầu (bao gồm cả mũ bảo hiểm), động vật và xe cộ, chụp liên tiếp 30fps với màn trập điện tử và 12fps với màn trập cơ, khả năng chống rung 5 trục, thân máy bền bỉ, kích thước rộng rãi, Canon EOS R3 là mẫu máy cho người dùng tìm kiếm hiệu suất đỉnh cao nhất.
Fujifilm X-H2 – Cảm biến crop hiệu suất cao
Sử dụng cảm biến APS-C X-Trans 5 BSI CMOS với độ phân giải 40MP, hệ số crop x1.5 cho phép ống kính đạt được tầm nhìn xa hơn ở cùng mức tiêu cự so với máy ảnh cảm biến full-frame. So với các ống kính tele có góc nhìn tương đương dành cho cảm biến full-frame, ống kính XF được thu gọn đáng kể về kích thước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quang học tốt. Có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt, X-H2 còn tích hợp bộ xử lý hình ảnh X Processor 5, tự động lấy nét lai thông minh, hệ thống ổn định hình ảnh 5 trục tích hợp trong thân máy, dải ISO từ 160-12800, tốc độ chụp lên đến 20 khung hình mỗi giây, tối ưu hiệu năng của các ống kính tele.
Canon EOS R100 – Lựa chọn cho người mới bắt đầu
Canon EOS R100 là máy ảnh được thiết kế dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Với cảm biến CMOS APS-C 24.1MP, bộ xử lý DIGIC 8, quay video 4K/24fps, lấy nét Dual Pixel CMOS AF với 143 vùng AF, chụp liên tiếp 6,5 khung hình/giây, chế độ Creative Assist Mode, chiếc máy này đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nhất cho nhóm người dùng có kinh phí không quá dồi dào cũng như mới bước chân vào con đường nhiếp ảnh. Người dùng có thể sử dụng các ống kính tele tích hợp chức năng ổn định hình ảnh như Canon RF-S 55-210mm để có hình ảnh sắc nét nhất.
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp các thông tin cần biết về ống kính tele. Để có lựa chọn ống kính phù hợp nhất, bạn có thể tìm hiểu thêm về các hệ thống ngàm máy ảnh hoặc các dòng máy ảnh trên thị trường. Nếu đang tìm mua ống kính chính hãng, bạn có thể ghé thăm các chi nhánh của Tokyo Camera trên toàn quốc.